Khuôn khổ để tăng cường hội nhập và khu vực hóa chuỗi giá trị ở châu Á

05:30' - 28/11/2020
BNEWS Theo tạp chí “Chính trị Thế giới”, việc nhiều nước có nhu cầu phát triển và lợi ích kinh tế khác nhau có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do lớn như vậy là rất quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Việc nhiều nước có nhu cầu phát triển và lợi ích kinh tế khác nhau có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do lớn là rất quan trọng và ý nghĩa tích cực của hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ trải rộng cho tất cả các nước thành viên. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Việt Nam. 

RCEP, hiện là khối thương mại lớn nhất thế giới, mất tám năm hình thành. RCEP bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - và năm đối tác thương mại lớn gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Khu vực kinh tế mà thỏa thuận bao phủ chiếm khoảng 30% cả về dân số và GDP của thế giới.

Quy mô thị trường của RCEP lớn gấp 5 lần so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thương mại lớn ở Vành đai Thái Bình Dương. RCEP cũng gấp đôi về tổng GDP và giá trị thương mại hàng năm của CPTPP.

Tuyên bố chung được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo chính thức ký kết RCEP, cho rằng RCEP rất “quan trọng” đối với việc ứng phó với đại dịch COVID-19 ở châu Á-Thái Bình Dương và đây là “thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng”. Một báo cáo của ngân hàng HSBC dự đoán rằng 15 nền kinh tế RCEP sẽ chiếm khoảng 50% sản lượng toàn cầu vào năm 2030.

Theo tạp chí “Chính trị Thế giới”, việc nhiều nước có nhu cầu phát triển và lợi ích kinh tế khác nhau có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do lớn như vậy là rất quan trọng. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên cùng nhau tham gia một khối thương mại, sau khi các vấn đề chính trị đã làm đình trệ các cuộc đàm phán. Cánh cửa vẫn để ngỏ cho Ấn Độ, quốc gia đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm ngoái, để tham gia lại vào một ngày sau đó. 

Một số thông tin đã mô tả RCEP như một hiệp định “do Trung Quốc dẫn đầu” và là một chiến thắng lớn cho Bắc Kinh, đặc biệt là tương phản với việc bốn năm về trước Mỹ rút khỏi TPP nay có tên gọi là CPTPP. Nhưng quan điểm đó bỏ qua một vài điều. 

Thứ nhất, RCEP và TPP là hai thỏa thuận hoàn toàn khác nhau - một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Australia và Malaysia, đều tham gia cả hai thỏa thuận.

Quan điểm này cũng phủ nhận vai trò của ASEAN trong việc khởi xướng RCEP, cho rằng các nước ASEAN có thể bị gạt ra ngoài lề trước các sáng kiến do hai nền kinh tế khổng lồ trong khu vực dẫn đầu: Trung Quốc và Nhật Bản. Khối Đông Nam Á đã lo ngại về một hiệp định thương mại tự do tiềm năng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số quốc gia ASEAN không tham gia TPP cũng thận trọng với thỏa thuận đó.

Thỏa thuận cuối cùng của RCEP nhấn mạnh ưu tiên mạnh mẽ của ASEAN về việc "đối xử phân biệt" - chấp nhận rằng các quốc gia sẽ giảm các rào cản thương mại ở các mức khác nhau. Theo thỏa thuận, Myanmar, Campuchia và Lào chỉ được yêu cầu xóa bỏ thuế quan đối với 30% thương mại hàng hóa do các nền kinh tế nhỏ hơn của họ. 

Nhìn chung, thỏa thuận loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khối RCEP và sẽ tăng lên đối với 90% thương mại hàng hóa trong thời gian 20 năm tới.

Đáng chú ý là Trung Quốc đã không giữ độc quyền trong các cuộc đàm phán, thay vào đó để ASEAN dẫn đầu để tránh xung đột với Nhật Bản.

Mặc dù RCEP trên thực tế có thể không phải là “do Trung Quốc cầm đầu”, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận này. RCEP phù hợp với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) khổng lồ của Bắc Kinh và sẽ tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư của Trung Quốc trên khắp Đông Nam Á.

RCEP hoàn thiện những gì vốn bị coi là một mớ hỗn độn của các hiệp định thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một trong những khu vực tích cực nhất trong việc đàm phán các hiệp định thương mại, đến nỗi đã vấp phải sự chỉ trích vì một số chuyên gia gọi là các hiệp định song phương hoặc ba bên “chất lượng thấp” vì quy mô không chỉ quá hẹp mà còn chồng chéo. Thương mại khu vực đã bị ngáng đường bởi sự lộn xộn và phức tạp, buộc nhiều doanh nghiệp phải chịu chi phí giao dịch cao hơn.

Trong bài viết đăng trên tờ Bangkok Post mang tựa đề “RCEP hỗ trợ cho thương mại, các chuỗi giá trị”, hai tác giả là Tiến sĩ Pavida Pananond thuộc Đại học Thammasat và Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn cũng nhấn mạnh rằng RCEP nên được coi là một cơ hội để củng cố những gì còn lại của hệ thống thương mại đa phương và tái khởi động quá trình hội nhập chuỗi giá trị ở Đông Á sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Mặc dù các điều khoản trong khuôn khổ RCEP còn yếu về nông nghiệp, giải quyết tranh chấp, cạnh tranh, dịch vụ và đầu tư, RCEP cũng có rất nhiều ý nghĩa tích cực. Với quy mô thị trường và tỷ trọng GDP toàn cầu lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU) hoặc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, RCEP thúc đẩy tinh thần đa phương hóa và hội nhập chuỗi giá trị khu vực sâu hơn giữa các nền kinh tế thành viên.

RCEP có thể hoạt động như một trung tâm khu vực cho nhu cầu ngày càng tăng mà không có vùng miền, được củng cố bởi các tầng lớp trung lưu đang nổi lên xung quanh khối này. Và trong khi RCEP không toàn diện như CPTPP, hiệp định củng cố và hợp lý hóa các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa các thành viên.

Lấy ví dụ về quy tắc xuất xứ. Với con số 27 hiệp định FTA hiện có và 44 hiệp ước đầu tư song phương giữa các thành viên, việc thống nhất và tiêu chuẩn hóa các quy tắc xuất xứ sẽ là một lợi ích đối với tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, một tiền đề chính cho sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực. 

Các công ty có chuỗi cung ứng trải rộng trong khối RCEP giờ đây sẽ thấy chi phí tuân thủ thấp hơn nhờ chỉ định mới này, điều này đã hài hòa các quy tắc xuất xứ khác nhau trong các hiệp định thương mại tự do hiện có của ASEAN. Các công ty khác cũng có thể chuyển chuỗi cung ứng của họ sang một trong các quốc gia thành viên của RCEP để tận dụng lợi thế. 

Ngoài thương mại, RCEP đến vào một thời điểm quan trọng khi các công ty đa quốc gia trên thế giới đang cân nhắc lại các chiến lược đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, RCEP đúng là những gì mà những nhà cải cách trong nước ở các nền kinh tế thành viên cần để biện minh cho việc mở cửa khi đối mặt với các lợi ích được bảo hộ. Trong khi đó, lời kêu gọi "hồi hương" hay đưa các hoạt động đầu tư về nước ngày càng lớn hơn, làm thay đổi chuỗi cung ứng và hơn nữa cũng không hề đơn giản.

Trong khi Đông Nam Á có khả năng được hưởng lợi từ các công ty đang tìm kiếm chiến lược "Trung Quốc+" hướng tới đa dạng hóa khu vực, đầu tư vào Trung Quốc vẫn quan trọng đối với các công ty đa quốc gia vì quy mô thị trường khổng lồ của thị trường Trung Quốc, cơ sở hạ tầng phát triển, cũng như tính sẵn có và độ sâu của chuỗi cung ứng mà Trung Quốc có thể cung cấp.

Thương mại và đầu tư giữa các thành viên RCEP đã được cố định, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò là các thị trường chính và các nút công nghệ cao hơn, trong khi ASEAN với tư cách là một nhóm đóng vai trò liên kết như một trung tâm sản xuất có chi phí rẻ hơn.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), khối lượng thương mại nội khối RCEP đã tăng với tốc độ ấn tượng 50% từ năm 2010 đến năm 2018, trong khi khối lượng với các nước ngoài RCEP tăng 34% trong cùng thời kỳ.

Hội nhập và khu vực hóa của RCEP mang lại một lựa chọn hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia vì lợi ích của vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực rộng lớn hơn. Mặc dù có tiềm năng to lớn cho sự phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch, RCEP vẫn sẽ cần được cơ quan lập pháp của hầu hết các quốc gia thành viên phê chuẩn. 

Mặt khác, việc thực hiện 20 chương tự do hóa thương mại của RCEP sẽ khó thực hiện hơn nhiều so với đặt bút ký, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nhỏ và ít cởi mở hơn. Những khác biệt về mức độ hội nhập kinh tế của các nền kinh tế thành viên và sự cạnh tranh về đầu vào và đầu tư tương tự có thể sẽ gây tranh cãi. Các thành viên RCEP sẽ cần phải xây dựng nhiều niềm tin lẫn nhau vì những lợi ích thương mại tập thể.

Nhìn chung, RCEP là một khuôn khổ để hội nhập kinh tế khu vực hơn nữa. Một số ngôn ngữ của thỏa thuận còn lộn xộn, nhưng các thỏa thuận thương mại của ASEAN có xu hướng được cập nhật và mở rộng dần dần. Hiện tại, các nước tham gia RCEP đang lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán sâu hơn về thương mại điện tử và tự do hóa dịch vụ, làm rõ rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục