Khuyến cáo người dân dừng khai thác mủ khi cao su đang mùa thay lá

16:11' - 17/03/2018
BNEWS Ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người dân dừng khai thác mủ khi cao su trong thời gian cao su thay lá, vì cây dễ bị mất sức, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Khai thác mủ cao su.. Ảnh: TTXVN

Từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3,4/2018 là mùa cao su thay lá. Sở dĩ có tình trạng khai thác mủ cao su trong thời gian này là do giá mủ cao su tăng trở lại, mỗi kg bán được từ 13.000 -14.000 đồng (so với 10.000 - 12.000 đồng/kg trước đây) nên vì ham lợi trước mắt, bà con trồng cao su vẫn khai thác mủ ồ ạt đem bán cho thương lái.

Điều đáng lưu ý là, phần lớn các hộ trồng cao su đều biết rõ việc khai thác mủ vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây nhưng vẫn cố tình cạo mủ cao su đem bán để kiếm thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật Trần Đình Khởi cho biết, toàn xã có khoảng 350 ha cao su đều đến thời kỳ khai thác mủ. Khi huyện có chủ trương, chỉ đạo tạm dừng khai thác mủ cao su, chính quyền địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc.

Nhưng vì đời sống khó khăn, một phần do nhận thức chưa đến nơi đến chốn của bà con trồng cao su nên vẫn còn tình trạng lén lút khai thác mủ cao su đem bán, nhất là vào ban đêm; trong khi địa phương không có quyền nghiêm cấm hay có chế tài xử phạt người dân.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện trồng được hơn 7.000 ha cây cao su, tập trung chủ yếu ở huyện Nam Đông. Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, từ 0,5 ha cây cao su được đưa vào trồng thử trên đất Nam Đông vào năm 1993, đến nay, huyện miền núi Nam Đông đã trồng được hơn 4.500 ha cây cao su; trong đó, có khoảng 3.100 ha diện tích cây trồng đã cho mủ; với sản lượng cao su chế biến thành mủ cốm đạt khoảng 1.000 tấn; doanh thu đạt từ 40 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm.
Các địa phương như xã Hương Phú có 562 hộ đã trồng được 600 ha cao su; trong đó, đã có hơn 200 ha trong thời kỳ khai thác; sản lượng thu được từ 150 đến 200 tấn mủ tươi/năm; doanh thu đạt từ 600 triệu đến 800 triệu đồng.

Xã Hương Sơn có 214 hộ với 100% đồng bào dân tộc Catu, đã trồng được 261 ha; trong đó, diện tích khai thác khoảng 100 ha. Nhiều hộ trồng cao su ở Nam Đông xem đây là nguồn "vàng trắng" cho thu nhập cao. Cá biệt có hộ thu từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/năm.
Đối với người dân Nam Đông, cây cao su thật sự là cây làm giàu. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là có khoảng 30% hộ gia đình khai thác và chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, nên cây trồng có nguy cơ suy dinh dưỡng và có thể xảy ra một số bệnh khó điều trị, như loét sọc miệng cạo, thối miệng cạo...
Hiện tại, cây cao su đang trong thời kỳ rụng hết lá sinh lý, phát triển chồi non mới nên rất cần nguồn dinh dưỡng. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 3, huyện Nam Đông sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su cho người dân có số diện tích cao su mới đưa vào khai thác năm 2018 (ước khoảng 200 ha).
Ngành nông nghiệp huyện Nam Đông còn phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cây, vệ sinh miệng cạo, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành, tạo tán đảm bảo cho cây phát triển. Cây cao su ở Nam Đông sẽ cho khai thác trở lại khi tầng lá phát triển ổn định.../.

>>>Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ bán 475,1 triệu cổ phiếu trước Tết Nguyên đán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục