Khuyến công ứng phó như thế nào trong cuộc cách mạng 4.0?

20:18' - 01/08/2018
BNEWS Khuyến công của các tỉnh nên chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 13, năm 2018. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chiều ngày 1/8, tại Thành phố Vinh, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 13, năm 2018, nhằm đánh giá kết quả thực hiện hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2018.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh đã có những tham luận phân tích, đánh giá để làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn của từng tỉnh trong hoạt động khuyến công thời gian qua và đưa ra một số giải pháp, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu chung của hoạt động khuyến công trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018. Lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cũng giải đáp thắc mắc, trả lời kiến nghị của các sở công thương trong khu vực liên quan đến hoạt động khuyến công.

Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc triển khai bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đang gặp khó khăn trong công tác tổ chức cấp huyện, dù sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Thanh Hóa là nhiều và đa dạng sản phẩm.

Tuy nhiên, việc bình chọn ở cấp huyện không làm hoặc không quan tâm nhiều đến lĩnh vực này và cũng thiếu cán bộ chuyên trách để làm cầu nối triển khai; do đó, trong những năm qua, Thanh Hóa chưa thể triển khai được nội dung này.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương hướng dẫn chi tiết hơn nội dung hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Còn đối với tỉnh Bắc Kạn là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công suất thấp; một số cơ sở sản xuất kinh doanh còn có tâm lý bị động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa thật sự chú trọng đến việc mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Trước thực tế đó, ông Vũ Đức Chính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho hay, tỉnh đã và đang tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp.

Với tỉnh Bắc Ninh, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí vốn ở mức thấp dẫn đến chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thay đổi công nghệ.

Ông Tạ Đình Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị Bộ Công Thương xây dựng đề án khuyến công gắn với công tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An gợi mở nhiều vấn đề nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của các trung tâm khuyến công trong cuộc cách mạng 4.0 và trong quá trình thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập các bộ ngành, địa phương, đơn vị.

Theo đó, hoạt động khuyến công cần khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường; Đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn các tỉnh, thành phố; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Để các cơ sở công nghiệp nông thôn và tỉnh có những nhìn nhận tích cực về hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến công.

Khuyến công của các tỉnh nên chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; Hướng tới hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng mô hình các cơ sở công nghiệp nông thôn đi đầu, dẫn dắt các cơ sở khác tại địa phương và các địa phương lân cận.

Muốn vậy, khuyến công cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục