Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

19:45' - 07/09/2018
BNEWS Tỉnh Thái Nguyên hiện có 761 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Một số doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Ngày 7/9, tại Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 761 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có 208 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; 210 hợp tác xã nông nghiệp; 123 tổ hợp tác và 220 làng nghề.

Thời gian qua, cùng với việc triển khai các Nghị định của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như phê duyệt và ban hành đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; đề án Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; đề án Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên…

Đồng thời, cũng có nhiều doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia nuôi trồng sản xuất nấm chất lượng cao tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ; doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đầu tư gần 30ha trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; chi nhánh Công ty Cổ phần NTEA Việt Nam tại Thái Nguyên đầu tư 5ha chè tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ IFOAM…

Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn gặp phải một số vướng mắc.

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình cho biết, doanh nghiệp của bà gặp khó khăn trong việc tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chè, nguyên nhân một phần là do quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, một số doanh nghiệp cũng cho rằng việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Ngoài ra, vẫn tồn tại nhiều loại thuế, phí trong nông nghiệp làm tăng chi phí của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn yếu và hạn chế về số lượng; thị trường tiêu thụ không bền vững; thiếu nguồn lao động trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; ưu đãi đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn đã tiếp nhận các ý kiến và khẳng định tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan của tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương và của tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

>>> Hà Nam chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục