Gian nan cho vay nông nghiệp công nghệ cao

14:41' - 03/09/2018
BNEWS Nông nghiệp là một lĩnh vực rất rủi ro và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phương pháp sản xuất rất mới ở Việt Nam nên mức độ rủi ro càng cao.

Đang là mùa mưa nên con đường vào trang trại Biophap thuộc Công ty TNHH Biophap nằm sâu trong cánh rừng Tây Nguyên trở nên khó khăn hơn. Chị cán bộ tín dụng trẻ tuổi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đi cùng nhỏ nhẹ nói: "Con đường này cũng gập ghềnh chẳng kém con đường cho vay tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đâu nhà báo ạ".

Sau hơn nửa giờ đồng hồ lắc lư trên chiếc xe bán tải, chúng tôi đã vượt qua con đường đất đỏ xóc nẩy, còn nhớp nháp sau trận mưa. Dù một trận mưa khác đang có nguy cơ ập tới nhưng màu xanh mướt trên những cây chanh, cây bưởi, cây hồ tiêu trồng theo phương pháp hữu cơ của trang trại Biophap khiến chúng tôi bớt lo ngại hơn về những gì sắp diễn ra.

Ông Phạm Đình Phước, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum cho hay, Công ty TNHH Biophap vay vốn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum để trồng 7,8 ha cây lâu năm (bao gồm: cam cara, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, tiêu) theo tiêu chuẩn quốc tế tại xã ĐăkPne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Hiện tại Biophap đã được chứng nhận các sản phẩm hữu cơ quốc tế. Đơn vị thực hiện chứng nhận cho Công ty Biophap là Công ty Ecocert tại Pháp là đại diện cho 3 trong số những tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế uy tín nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại: tiêu chuẩn AB (châu Âu); tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản); tiêu chuẩn USDA (Mỹ).

Ngoài ra, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại thuộc danh mục quy định đó là ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động. Toàn bộ trang trại của Biophap sẽ tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh; trong đó các nhóm và các lớp sinh vật sẽ liên quan chặt chẽ với nhau và phụ thuộc vào nhau.

Điểm nổi bật của trang trại này là sự đa dạng sinh học, nhờ vậy sẽ kiểm soát được khi xảy ra các vấn đề về dịch bệnh và không xảy ra tình trạng toàn bộ cây trong trang trại bị tiêu diệt vì một loại sâu bệnh.

Tuy nhiên, Biophap mới chỉ là một trong hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đủ điều kiện được chứng nhận là doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là 1 trong 2 khách hàng của Agribank được vay gói tín dụng nông nghiệp sạch. Giờ thì tôi đã hiểu về con đường gập ghềnh mà chị cán bộ tín dụng vừa nói ở trên.

Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum Nguyễn Bá Cầu chia sẻ, chương trình cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các tiêu chí này khiến đối tượng tiếp cận gói tín dụng trên bị hạn chế.

Hiện tại, trong số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất ít doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGap hay GlobalGap hoặc giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an toàn thực phẩm.

Thông tin thêm cho chúng tôi, ông Phạm Đình Phước cũng băn khoăn, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là dự án phải đáp ứng được một trong các tiêu chí như: đầu tư thực hiện trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập khu; dự án trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận vùng; dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Với những tiêu chí này, thực tế người dân và doanh nghiệp rất khó có thể đáp ứng nên ngân hàng rất khó thực hiện cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, ông Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum cũng trăn trở, nông nghiệp là một lĩnh vực rất rủi ro và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phương pháp sản xuất rất mới ở Việt Nam nên mức độ rủi ro càng cao. Vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nguồn vốn thương mại của ngân hàng nên để hạn chế rủi ro thì việc nhận tài sản đảm bảo là cần thiết.

"Tuy nhiên tài sản hình thành từ quá trình đầu tư như nhà kính, nhà lưới vẫn chưa được ghi nhận được quyền sở hữu nên không đủ điều kiện để nhận thế chấp, việc sử dụng tài sản khác để thế chấp thì hầu như các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay trên địa bàn tỉnh không đủ để đáp ứng", ông Nguyễn Bá Cầu nói.

Ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai cũng chia sẻ, vướng mắc nhất khi cho vay gói tín dụng này là ở khâu được chứng nhận là dự án ứng dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh Gia Lai cũng chỉ có 2 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận có dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hai doanh nghiệp này Agribank cũng đã tiếp cận nhưng chưa cho vay được; trong đó có một doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Huỳnh Đinh Hà Giang, Giám đốc Công ty Biophap cũng cho hay, một dự án nông nghiệp muốn được vay theo mô hình ứng dụng công nghệ cao phải có 30% vốn đối ứng. Sẽ rất khó cho các doanh nghiệp ở địa phương, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, với nông nghiệp công nghệ cao bên cạnh vốn thì nguồn nhân lực, các tiêu chí để đạt tiêu chuẩn công nghệ cao cũng là vấn đề vô cùng quan trọng và không dễ thực hiện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Agribank đã dành 50.000 tỷ đồng cho gói tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao; coi “nông nghiệp công nghệ cao” là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.

Gói vay hỗ trợ nông nghiệp sạch của Agribank được áp dụng kể từ ngày 1/11/2016 với quy mô tài trợ vốn cho chương trình không hạn chế, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai cho vay với lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1,5%. Trong đó, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của ngân hàng đến nay đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn.

Đặc biệt, Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank. Bên cạnh việc được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, khách hàng vay vốn chương trình này được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% mức phí chuyển tiền ngoài hệ thống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng chỉ có khoảng 80 khách hàng là doanh nghiệp trên toàn quốc tiếp cận được với gói tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Rời Tây Nguyên trên những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, một màu xanh mướt đầy sức sống của cây lá sau những trận mưa bao trùm nơi đây nhưng trăn trở của những cán bộ tín dụng về đồng vốn phục vụ cho nông nghiệp sạch vẫn còn đó!

>> Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài cuối: Thêm nhiều cơ hội mới để phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục