Khuyến nghị chính sách khắc phục sự yếu thế đối với lao động phi chính thức

12:19' - 04/10/2017
BNEWS Việc nghiên cứu khu vực kinh tế phi chính thức cũng như việc làm phi chính thức ở Việt Nam là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Sáng 4/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo công bố Báo cáo lao động phi chính thức.

Công bố báo cáo Lao động phi chính thức. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, việc nghiên cứu khu vực kinh tế phi chính thức cũng như việc làm phi chính thức ở Việt Nam là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Báo cáo lao động phi chính thức năm 2016 nhằm cung cấp những thông tin cơ bản, góp phần làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Chang – Hee Lee, Trưởng Đại diện ILO tại Việt Nam cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động phi chính thức tương đối cao trong khu vực. Đó là thách thức chung đối với các quốc gia đang phát triển; trong đó, có Việt Nam. Có thể nói, nền kinh tế phi chính thức cũng là một thách thức chung trên toàn cầu.

Để nhằm thúc đẩy việc chính thức hóa, thúc đẩy việc chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức, đại diện ILO cho rằng, việc thu thập số liệu thống kê, phân tích cũng như chuẩn đoán dựa trên những số liệu thống kê này cũng là một phần trong kế hoạch, hành động của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, cuộc điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô mẫu khoảng 20.000 hộ/tháng và tương ứng với cả năm khoảng 240.000 hộ.

Cuộc điều tra này bắt đầu thực hiện từ năm 2007, nhưng các thông tin về lao động có việc làm phi chính thức mới được đưa vào bảng hỏi điều tra từ năm 2014. Ngoài các ấn phẩm về kết quả điều tra lao động việc làm được xuất bản hàng năm, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê đã xuất bản chuyên sâu về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam.

Theo Báo cáo lao động phi chính thức, khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như: lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định; không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài. Cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực này thường có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động…

Kết quả của cuộc điều tra việc làm đã đưa ra một số bằng chứng về xu hướng biến động cũng như những đặc điểm dễ nhận thấy của lao động phi chính thức ở Việt Nam.

Báo cáo cũng đã chỉ ra, quy mô lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu người và chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp. Xét về mặt tổng số thì lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng nhưng theo ngành nghề thì lao động làm nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm (giảm từ 24 triệu người năm 2014 xuống còn 21,4 triệu người năm 2016).

Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Hồng là những nơi có dân cư đông đúc và cũng là nơi tập trung nhiều lao động việc làm phi chính thức nhất toàn quốc. Ngược lại các vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có dân số ít, lao động chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, ngành nghề không đa dạng nên tỷ trọng lao động phi chính thức khá thấp.

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn và cũng là hai trung tâm kinh tế - chính trị có số lao động phi chính thức lớn nhất và chiếm trên 20% tổng số lao động phi chính thức của cả nước.

Phần lớn lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy. Tỷ trọng lao động phi chính thức của 3 nhóm này chiếm tới gần 70% tổng số lao động phi chính thức; tiếp theo đó là nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chiếm tỷ trọng khá lớn với khoảng 11%.

Tiền lương bình quân mỗi tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng). Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%).

Để khắc phục sự yếu thế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động phi chính thức, ông Đoàn Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này.

Theo đó, cần có các chương trình hành động cụ thể khuyến khích các hộ, cơ sở kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp; cần đơn giản hóa các thủ tục chuyển đổi, đăng ký, loại bỏ các loại giấy phép không cần thiết. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập, rút lui khỏi thị trường; cần cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ về vốn, tín dụng, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thông tin, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực…

“Trong chính sách phát triển nông thôn, cần chú ý các hình thức hợp tác, liên kết các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ. Tạo điều kiện cho họ tham gia cung cấp các sản phẩm thủ công và dịch vụ phục vụ du lịch hay tham gia cung cấp sản phẩm “ sạch” phục vụ các chuỗi bán hàng tại các đô thị…”, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết.

Bên cạnh đó, để thu hút người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần thiết kế các chế độ đảm bảo công bằng với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhà nước có thể nghiên cứu đưa ra các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin tốt hơn về chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được coi là ưu tiên trong các hoạt động xúc tiến bảo hiểm xã hội trong thời gian tới…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục