Khuyến nghị nâng năng lực xuất khẩu cho DN vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ

17:09' - 21/12/2021
BNEWS Những năm gần đây, số lượng doanh nhân nữ đang tăng đều trong ASEAN, với hơn 60 triệu phụ nữ trên khắp ASEAN đang điều hành các doanh nghiệp, phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, ngày 21/12, Bộ Công Thương phối hợp với Hàn Quốc và các thành viên ASEAN tổ chức Hội thảo ASEAN về nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Hội thảo nhằm mục đích trang bị cho nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ và đại diện các hiệp hội nữ doanh nhân vừa và nhỏ Việt Nam các kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và Tổ chức hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế.

Qua đây các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị cho ASEAN nhằm xây dựng các chính sách, sáng kiến thúc đẩy năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ để tham gia vào chuỗi dịch vụ toàn cầu.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ đại diện cho từ 97 - 99% doanh nghiệp và từ 60 - 80% tổng số việc làm tại ASEAN.

Số liệu này cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tư cách là các tác nhân kinh tế của 10 nền kinh tế ASEAN đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Dù vậy, không giống như các tập đoàn, công ty lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải đối mặt với những hạn chế về tài chính, chẳng hạn như khả năng tiếp cận vốn, đầu tư và nguồn lực.

Do vậy, hai năm vừa qua, khi cả thế giới đối đầu với các làn sóng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN và trên toàn thế giới đã phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong khi đó, theo nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và ASEAN trong bối cảnh đại dịch của COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ là chìa khoá để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện trên toàn ASEAN do đây là một cơ hội lớn và chưa được khai thác. Đặc biệt, phụ nữ ASEAN cần được tiếp cận với các kỹ năng, được đào tạo và nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.

Thống kê cũng cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng doanh nhân nữ đang tăng đều trong ASEAN, với hơn 60 triệu phụ nữ trên khắp ASEAN đang điều hành các doanh nghiệp, phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó đang đe dọa sự phát triển này.

Ông Hồ Quang Trung - Giám đốc Ban phát triển ngành, Ban Thư ký ASEAN cho biết, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại ASEAN vẫn còn tập trung tại các lĩnh vực có giá trị thấp, kỹ năng chưa cao, kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là các lĩnh vực phi chính thức.

Tuy vậy, thời kỳ hậu đại dịch cũng có thể mở ra nhiều cơ hội đối với các nữ doanh nhân. Vì thế, sự phát triển của thương mại điện tử và logistics số sẽ giúp các nữ doanh nhân khởi nghiệp ngay chính tại ngôi nhà của mình và có thể dễ dàng xuất khẩu hàng hoá sang nước ngoài.

Đặc biệt, trong năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực cũng sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên. Điều này sẽ là một cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Một cơ hội khác đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng hàng hoá. Đại dịch đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, từ tập trung vào các sản phẩm dịch vụ sang tiêu thụ mạnh các sản phẩm chế tạo cũng như các sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Đây là cơ hội để các nữ doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh và phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Mai Thị Thuỳ - Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HAWA SME) cho biết, Chính phủ các nước ASEAN cần phải xây dựng các chính sách để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế số bằng cách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng cao năng lực kỹ thuật số và khuyến khích sử dụng các công cụ công nghệ thông tin.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tạo ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các công cụ tài chính. Các chính sách này có thể bao gồm phát triển các phương thức bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp thực hiện vay vốn dễ dàng, giảm thiểu các rào cản đối với tín dụng và các phương thức tiếp cận tài chính đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sử dụng các kênh tài chính khác nhau như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng,...

Đáng lưu ý, các quốc gia ASEAN có thể xây dựng các chính sách để các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ dễ dàng tiếp cận với các thị trường nước ngoài hơn.

Chẳng hạn như việc thúc đẩy hài hòa quy định và áp dụng các quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn, thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực giữa các doanh nghiệp nhỏ và do phụ nữ làm chủ./.

>>>Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu chuỗi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục