Kịch bản châu Âu quay lại với khí đốt Nga

06:30' - 08/12/2023
BNEWS Châu Âu sẽ buộc phải quay sang Nga để đảm bảo nguồn cung khí đốt vì mùa Đông lạnh hơn, trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân sẽ mất nhiều thời gian.
Doanh nhân tỷ phú người Nga Oleg Deripaska nhận định châu Âu sẽ phải đàm phán với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và chấp nhận một thỏa thuận khó khăn. Đây cũng chính là cái giá mà Liên minh châu Âu (EU) phải trả cho những “cuộc phiêu lưu” của người Mỹ. Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ khôi phục lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu trong hoàn cảnh nào và nước này sẽ thực hiện như thế nào về mặt kỹ thuật?

Theo tỷ phú Deripaska, châu Âu sẽ buộc phải quay sang Nga để đảm bảo nguồn cung khí đốt vì mùa Đông lạnh hơn, trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân sẽ mất nhiều thời gian.

Theo ông, châu Âu sẽ ký kết thỏa thuận với Gazprom, nhưng với những điều khoản nghiêm ngặt, bao gồm bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt.

Tỷ phú Deripaska nói: “Vâng, đó là cái giá đắt mà châu Âu phải trả cho những ‘cuộc phiêu lưu’ của người Mỹ, nhưng cái giá này vẫn rẻ hơn và có lợi hơn so với việc mua những vũ khí không cần thiết trị giá hàng nghìn tỷ euro rồi lại còn mất đi thị trường Nga”.

Ông thừa nhận khả năng này có thể không xảy ra ngay lập tức nhưng mùa Đông lạnh giá sẽ khiến châu Âu sớm chấp nhận thoả hiệp với Nga trong khoảng một năm rưỡi tới.

Còn chuyên gia Igor Yushkov thuộc Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, nhận định thận trọng rằng các khách hàng châu Âu có thể không khôi phục hoàn toàn việc mua khí đốt được vận chuyển qua đường ống của Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia này không loại trừ kịch bản nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ hồi phục khi các tuyến đường ống như Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) hay tuyến quá cảnh qua Ukraine hoạt động trở lại. Trong đó, chuyên gia Yushkov cho rằng nhánh phía Nam tuyến đường ống quá cảnh qua Ukraine có thể là tuyến đầu tiên được mở lại bởi “không nên đánh giá thấp mong muốn kiếm tiền của Ukraine”.

Hiện nay, Nga vẫn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua nhánh phía Bắc tuyến đường ống quá cảnh qua Ukraine. Nhánh phía Nam đã bị đóng theo sáng kiến của Ukraine. Do đó, thay vì 109 triệu mét khối mỗi ngày theo hợp đồng, Gazprom chỉ có thể cung cấp chưa tới một nửa con số này cho châu Âu qua Ukraine, tối đa 43 triệu mét khối mỗi ngày.

Chỉ một số quốc gia châu Âu từ chối mua khí đốt của Nga với điều kiện thanh toán bằng đồng ruble, trong đó có Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan. Hầu hết các nước châu Âu cho tới nay vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga nhưng với số lượng hạn chế.

Những nước châu Âu chưa áp đặt trừng phạt đối với khí đốt của Nga đều sẵn sàng mua thêm, nhưng Gazprom không thể cung cấp đủ khối lượng theo hợp đồng do những hạn chế về khả năng vận chuyển qua đường ống.

Lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine buộc phải giảm một nửa, trong khi tuyến Nord Stream 1 và 2 bị vô hiệu. Đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu chạy qua Ba Lan cũng bị phong tỏa. Ba Lan đã quốc hữu hóa cổ phần của Gazprom tại Europol - công ty vận hành đường ống Yamal-châu Âu.

Đáp lại, Nga áp đặt lệnh cấm cung cấp khí đốt theo tuyến đường ống này. Nguồn cung từ Nga tiếp tục được vận chuyển qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (15,75 tỷ mét khối mỗi năm) và qua Ukraine với khối lượng bị cắt giảm mạnh (khoảng 15 tỷ mét khối mỗi năm).

Theo chuyên gia Yushkov, lượng khí đốt của Nga sang châu Âu chỉ có thể tăng lên khi tình hình chính trị thay đổi, ít nhất là một thoả thuận ngừng bắn ở Ukraine. Khi đó, mới có cơ sở để hành động về mặt kinh tế, bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, khôi phục nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu.

Chuyên gia này nói: “Thật khó để nói về thời điểm điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, lối nói hoa mỹ ở châu Âu đã bắt đầu thay đổi...”.

Tình hình có thể chuyển biến trong năm 2024. Ngay khi có cơ hội chính trị, Đức có thể sẽ cho phép vận hành toàn bộ đường ống số hai không bị hư hại của tuyến Nord Stream 2. Công suất của nhánh này là 27,5 tỷ mét khối mỗi năm, lớn hơn tổng lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu trong năm 2023. Điều đó có nghĩa là, chỉ cần khôi phục hoạt động của một nhánh thuộc Nord Stream 2, lượng khí đốt của Nga sang châu Âu có thể tăng gấp đôi.

Bản thân nước Đức sẽ quan tâm đến điều này ngay khi tình hình chính trị thay đổi, bởi Đức là nước chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất trong EU khi đánh mất khả năng tiếp cận nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái và vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình cảnh này.

Tờ The Financial Times gần đây đăng tải cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành công ty thép Salzgitter của Đức ông Gunnar Gröbler. Doanh nhân này đã cảnh báo về nguy cơ phi công nghiệp hóa ở Đức và sự di dời của các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sang các nước khác do giá năng lượng tăng cao.

Theo ông, nếu các nhà sản xuất nguyên liệu cho ngành công nghiệp Đức như thép hay hóa chất rời khỏi đất nước do giá năng lượng tăng cao thì nước này có nguy cơ mất toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức hồi tháng 8 vừa qua, khoảng 32% công ty Đức muốn đầu tư ra nước ngoài do lo ngại về một tương lai không có khí đốt giá rẻ của Nga. Một năm trước đó, con số này chưa tới 16%.

Theo chuyên gia Yushkov, quá trình phi công nghiệp hóa một phần ở Đức đang diễn ra mạnh mẽ. Ông nói: “Những ngành công nghiệp sử dụng khí đốt trực tiếp làm nguyên liệu thô chủ yếu bị ảnh hưởng và chưa bao giờ phục hồi kể từ khi giá khí đốt đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022. Đó là ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón”.

Cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, sản xuất thuỷ tinh và các ngành khác cũng bị ảnh hưởng. Năng lượng đắt hơn khiến giá thành cao và sản phẩm không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các đối thủ cạnh tranh đang đẩy Đức ra khỏi thị trường toàn cầu, trong đó có các đối thủ đến từ Mỹ. Ở Mỹ, giá khí đốt giao dịch trên sàn chỉ ở mức 100 USD/1.000 mét khối, trong khi ở châu Âu là 500-600 USD. Đây vẫn là mức giá thấp nếu so với con số hàng nghìn USD hồi năm ngoái.

Một điểm quan trọng khác là Đức mua khí đốt của Nga với giá ưu đãi hơn so với các nước khác, trong khi các doanh nghiệp hai nước có sự phụ thuộc chặt chẽ. Toàn bộ ngành công nghiệp của Đức được xây dựng dựa trên lợi thế chi phí đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, kinh tế Đức đã mất đi lợi thế khí đốt giá rẻ của Nga và đang trải qua quá trình tái cơ cấu đau đớn.

Ngay sau khi các thỏa thuận chính trị được ký kết và xung đột chấm dứt, Ukraine sẽ quan tâm đến việc kiếm tiền và nối lại hoàn toàn việc trung chuyển khí đốt của Nga. Một điều nữa là hợp đồng vận chuyển với Gazprom sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024 và các bên sẽ phải tìm kiếm những hình thức hợp tác mới.

Chuyên gia Nga nói: “Ukraine từ lâu đã có ý tưởng ký kết thỏa thuận vận chuyển với các công ty châu Âu chứ không phải với Gazprom nhằm chuyển điểm giao và nhận khí đốt của Nga từ châu Âu đến biên giới Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các công ty châu Âu không bao giờ muốn điều này”.

Về bản chất, Ukraine không muốn chỉ đóng vai trò quá cảnh mà muốn làm một “thương gia”, nghĩa là bán lại khí đốt của Nga cho các công ty châu Âu. Với kịch bản này, Ukraine có thể kiếm tiền không chỉ từ việc vận chuyển mà còn từ việc tăng giá hàng hóa.

Nếu EU không đồng ý, Ukraine có thể cung cấp hệ thống vận chuyển khí đốt của mình cho một số công ty thứ ba hoặc có thể thay đổi phương thức thanh toán quá cảnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục