Kịch bản khiến các thị trường toàn cầu quan ngại

13:26' - 05/06/2024
BNEWS Nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với khả năng lạm phát tiếp tục ở mức cao trong ít nhất 4-5 tháng tới, trong khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại.

Thời gian gần đây, giới phân tích đang đề cập nhiều đến kịch bản nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào "lạm phát đình trệ" hay lạm phát kèm suy thoái. Đó là khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao, hoặc trì trệ kinh tế đi kèm lạm phát. Nó cũng có thể được định nghĩa là lạm phát kèm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cẩm nang chiến lược đối với các nền kinh tế trong năm nay ban đầu được cho là khá đơn giản: quá trình giảm phát tiếp diễn và điều đó sẽ dẫn đến việc các ngân hàng trung ương lớn phải tiến hành vài đợt cắt giảm lãi suất. Nền kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ đứng vững, tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể củng cố các điều kiện kinh tế.

 

Nhưng trên thực tế, những dữ liệu gần đây bắt đầu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn: hoạt động chế tạo của cường quốc này đã giảm tốc trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 5/2024, trong khi chi tiêu xây dựng cũng giảm ngoài dự kiến trong tháng 4/2024, tháng giảm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, châu Âu và Vương quốc Anh đã thể hiện khả năng phục hồi nhất định trong năm nay. Điều đó đã giúp Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE) có thêm thời gian trong việc điều hướng các chính sách của mình.

Xu hướng giảm phát đã chững lại ở nhiều nền kinh tế trong vòng một đến hai tháng qua. Tin tốt là chúng ta thấy áp lực về giá đã giảm trong năm qua tính trên quy mô toàn cầu. Nhưng phần “dễ dàng” chỉ có thế, đó là đưa lạm phát xuống mức khoảng 3%. Phần "khó" là ở đây và bây giờ, khi phải nỗ lực đưa con số này trở lại mức khoảng 2%.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương lớn đang lập luận rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm trở lại vào khoảng cuối năm nay. Điều đó có thể xảy ra, nhưng thực tế cho thấy không phải lúc nào các nhà hoạch định chính sách cũng dự báo đúng. Hồi năm 2021, họ đã từng khẳng định rằng lạm phát cao chỉ là hiện tượng nhất thời. Và đã ba năm trôi qua kể từ ngày đó.

Nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với khả năng lạm phát tiếp tục ở mức cao trong ít nhất 4-5 tháng tới, trong khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại. Nền kinh tế Mỹ giảm tốc có thể thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng động thái này, nếu xảy ra, sẽ là tin tốt cho các thị trường và nâng đỡ tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện tại, thì đó là một hành động cân bằng. Đó chỉ là tin tốt với điều kiện đi kèm những lý do chính đáng.

Và nếu các ngân hàng trung ương lớn không muốn nhúc nhích trong cuộc chiến chống lạm phát, điều đó sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu các ngân hàng không cắt giảm lãi suất trong khi nền kinh tế giảm tốc, thì đó lại không phải là một giải pháp tích cực cho các giao dịch rủi ro.

Vậy là, những dấu hiệu của "lạm phát đình trệ" đã xuất hiện và giải pháp ứng phó sẽ không đơn giản như dự đoán ban đầu.

Trong một phát biểu mới đây, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ "hạ cánh mềm" khi sắp diễn ra các đợt cắt giảm lãi suất, tuy nhiên triển vọng kinh tế trong thời gian trung hạn là "đáng thất vọng".

IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ mức khoảng 3%/năm trong những năm tới. Bà Kristalina Georgieva lưu ý là con số này thấp hơn gần 1% so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Bà nói: “Với xu hướng tăng trưởng chậm chạp này, người dân sẽ thất vọng, các gia đình lo lắng về tương lai tài chính....Và khi nghèo khổ gia tăng, nạn đói cũng tăng, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục