Kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu

11:38' - 05/04/2021
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong năm 2021 cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các hiện định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); đồng thời, nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào. 

Theo đó, cần "tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu,” bà Hương nhấn mạnh.

Về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp mong Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông bảo đảm kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế; phát triển hệ thống logistics. Ở trong nước, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, như kiểm tra chất lượng hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Về cải cách hành chính, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành có thể rà soát và tối ưu hóa quy trình, thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; đồng thời, triển khai việc xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ...

Trên thực tế, trước dịch bệnh COVID-19, ngay từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã chủ động vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đã cố gắng có đơn hàng, dù nhỏ để bảo đảm việc làm, có thu nhập cho người lao động. Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 3 tháng đầu năm 2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ghi nhận giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,3%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể là các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, bước vào năm 2021, theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra.

Để định hướng trước những biến động và thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến sự thay đổi trong doanh nghiệp. Việc tái thiết là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục