Kiểm soát chặt việc ban hành quy định về thủ tục hành chính trong nông nghiệp

16:42' - 28/03/2022
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định về thủ tục hành chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý II/2022, Bộ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và cải cách trong kiểm tra chuyên ngành; phân cấp giải quyết đảm bảo theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Đặc biệt, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định về thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, bảo đảm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Bộ, Cổng Dịch vụ công của Bộ theo Quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ và quy định của Chính phủ.

Các đơn vị tăng cường, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như: chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng; số hóa kết quả thủ tục hành chính nâng cao tính công khai, minh bạch rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rà soát, cắt giảm đơn giản hóa về yêu cầu điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đáp ứng chỉ tiêu của Chính phủ; hoàn thiện cập nhật các quy định được đơn giản hoá, bãi bỏ theo quy định tại Quyết định 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021 trên Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, Bộ đã thực hiện rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh là 429/2559, đạt 16,76%. Cắt giảm chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ là 13,2%, tương đương tiết kiệm gần 219 tỷ đồng.

Bộ cũng kiểm soát quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ cập nhật, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 119 thủ tục hành chính; công bố bãi bỏ 58 thủ tục hành chính.

Qua rà soát 348 thủ tục hành chính, Bộ đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính (trong đó bãi bỏ 17 thủ tục hành chính); đề nghị phân cấp 54 thủ tục hành chính, đạt 20,4%.

Về hiện đại hóa hành chính, Bộ thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính có đủ điều kiện quy định của pháp luật để cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công; nâng cao chất lượng giải quyết dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Bộ đã có 21/26 dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc Bộ vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính một số lĩnh vực như: chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật. Việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa còn chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định. Đặc biệt một số đơn vị chưa cập nhật để theo dõi đánh giá chất lượng thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử.

Hay tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn chưa cao do có nhiều thủ tục số lượng hồ sơ rất ít, không đảm bảo tiêu chí để lựa chọn thực hiện. Một số đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới trong triển khai nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số. Nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số mang lại còn hạn chế, chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục