Kiểm soát dư lượng Etylen Oxit trong quá trình sản xuất thực phẩm

12:11' - 03/09/2021
BNEWS Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), trong thời gian qua đã có sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng Etylen Oxit (EO) khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).

Hơn nữa, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như: mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt... Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng.

Kết hợp với bài học về hai nguyên liệu, phụ gia đa dụng bị phát hiện vi phạm dư lượng nhiều tại EU hiện nay là vừng và PGTP E410 (locust bean gum), có thể thấy, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.

Song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cũng cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu.

Đặc biệt, là các cấu phần thuê mua gia công sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro. Đồng thời, làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì.

Thực tiễn quá trình xây dựng và ban hành quy định về ngưỡng, mức giới hạn cho phép có trong thực phẩm đòi hỏi một quá trình nghiên cứu tổng thể, bài bản, lâu dài và có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bên cạnh những nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế xây dựng, đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đang được áp dụng, việc xây dựng các quy định trên còn được tham khảo, chuyển dịch chủ yếu từ hệ thống tiêu chuẩn, các khuyến nghị do Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Uỷ ban Codex) của Liên hiệp quốc ban hành; trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên.

Đồng thời, việc tham khảo từ tiêu chuẩn Codex giúp các quy định tiêu chuẩn của Việt Nam hài hoà hoá với các tiêu chuẩn chung hiện hành trên thế giới, cho phép tiêu chuẩn an toàn áp dụng để bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam tương tự như các nước trên toàn thế giới; đồng thời, đảm bảo công bằng trong thương mại thực phẩm toàn cầu.

Hiện nay tương tự Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO cho phép trong thực phẩm.

Trong khi đó, mức giới hạn dư lượng cho phép EO trong từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực. Hoặc, chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Bởi thế, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.

 

Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ đã thông báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của khu vực này là 0,05 mg/kg. Xuất phát từ vụ việc trên, nhiều quốc gia EU đã tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm.

Tới thời điểm này, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và Italy.

Cùng với đó, các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm: các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao; trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, EO là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Mặc dù EO không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô, nhất là cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn salmonella.

Hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng nêu rõ: Khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng như sau: hạt có vỏ 560 (640) g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; chà là và nho khô 640 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; sữa bột 720 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi đã xay 800 g/m³ trong ít nhất 6 giờ ở 25°C.

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Tuy EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối này.

Hiện nay, các nhà chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Thế nhưng, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với cơ sở và ngưỡng giới hạn có sự chênh lệch lớn.

Đơn cử tại EU, từ năm 1991, EU đã cấm việc sử dụng các sản phẩm có thành phần EO trong khử trùng thực phẩm hay khu vực lưu trữ thực phẩm, nhưng vẫn ghi nhận việc sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác có thể có dư lượng chất này.

Từ năm 2005, EU đưa ra định nghĩa tại Regulation (EC) 396/2005 về dư lượng chung cho hai thành phần: “Tổng của Etylen Oxit và 2-Cloroetanol được biểu thị dưới dạng Etylen Oxit”.

Theo quy định năm 2015, các ngưỡng dư lượng EO cho phép trong thực phẩm của EU hiện nay là 0,1 mg/kg đối với chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ; 0,05 mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02 mg/kg đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và các loại khác; 0,02 mg/kg đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; 0,05 mg/kg đối với các sản phẩm trồng trọt.

Đối với Hoa Kỳ và Canada, hai quốc gia này cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho biết, khoảng hơn 30% sản phẩm gia vị và thảo mộc của nước này được khử trùng bằng EO.

Theo nghiên cứu của Canada trên rau củ khô và vừng hạt, sau khi xử lý sản phẩm với 300 mg/L khí EO trong 6 tiếng và nghỉ 24 tiếng, hàm lượng EO trong sản phẩm là từ không tìm thấy đến 0,255 mg/kg.

Ngoài ra, tại Australia và New Zealand, trước năm 2003, khu vực này cho phép sử dụng EO trong xử lý nông sản và quy định ngưỡng giới hạn dư lượng là 20 mg/kg.

Từ năm 2003, EO đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng nhưng có ghi nhận nguy cơ EO tồn tại trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Australia và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với EO.

Còn tại Hàn Quốc, trong tháng 7/2021, một số sản phẩm mỳ ăn liền do Hàn Quốc sản xuất cũng bị EU cảnh báo về dư lượng EO. Qua quá trình kiểm tra, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp không sử dụng EO trong sản xuất.

Nhưng, một số sản phẩm có phát hiện thành phần 2-Chloroethanol với các dư lượng EO là: 0,11 mg/kg trong hành lá khô của mì ăn liền thủy sản Nongshim xuất khẩu; 2,2 mg/kg trong gói rau bán ở thị trường nội địa; 12,1 mg/kg trong gói gia vị.

Từ vụ việc này, Hàn Quốc đã ban hành quy định tạm thời về giới hạn dư lượng cho phép đối với hợp chất 2-chloroethanol là dưới 30 mg/kg đối với thực phẩm thông thường, dưới 10 mg/kg đối với thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục