Kiểm soát thị trường không để ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp

17:18' - 24/01/2019
BNEWS Năm 2018, lực lượng chức năng của thành phố thanh, kiểm tra 34.835 vụ; qua đó, xử lý 28.649 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…

Chiều 24/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội trao Bằng khen có các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2018. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội cần kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, đơn vị làm ăn nghiêm túc.

Địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn doanh nghiệp nâng năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm trong nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Nguyễn Công San, Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện có tình trạng một số đối tượng kinh doanh hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lợi dụng mạng internet, dịch vụ chuyển phát nhanh, các nhà ở bỏ trống tại khu đô thị làm nơi cất giữ, chung chuyển hàng. Thực trạng này gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát do khó xác định địa chỉ của đối tượng bán hàng.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị thời gian tới, bộ, ngành, cơ quan quản lý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Cụ thể, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn, giải thích quy định về mặt hàng thuốc lá điếu theo Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản luật liên quan để cơ quan thực thi chống buôn lậu thuốc lá điếu đạt hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng có liên quan như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế, Ban chỉ đạo 389 Trung ương... kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế...

Việc làm này nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tới mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn chỉ rõ, năm 2019, Ban chỉ đạo 389 Thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu thuốc lá...

Đối với các sở, ngành có chức năng bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm và Ban chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã, cần phải nêu rõ chỉ tiêu về kết quả phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong kế hoạch năm 2019.

Theo ông Cao Văn Lộc, đại diện Công an Thành phố Hà Nội, năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp và tinh vi. Các đối tượng lợi dụng đường hàng không, đường biển để buôn lậu với mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử, quần áo, thuốc lá, pháo lậu… Công an Thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp, phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo báo cáo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, năm 2018, lực lượng chức năng của thành phố thanh, kiểm tra 34.835 vụ; qua đó, xử lý 28.649 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… Hà Nội khởi tố 84 vụ với 98 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tổng thu nộp ngân sách gần 5.568 tỷ đồng, tăng 1.613 tỷ đồng so với năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự quan tâm vào cuộc của các cấp các ngành đôi lúc chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, còn mang tính hình thức.

Cơ chế phối hợp giữa lực lượng chức năng, đơn vị địa phương trong cách xử lý chưa rõ ràng làm hạn chế hiệu quả đấu tranh. Một số văn bản pháp quy phạm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thiếu đồng bộ, không rõ ràng nên khó áp dụng, còn tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn lậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục