Kiên Giang đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp

15:51' - 07/10/2024
BNEWS Sáng 7/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức Chương trình mít tinh hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang (10/10).

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung cho biết, tỉnh luôn xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giải pháp quan trọng, cấp thiết, cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 

Qua quá trình triển khai, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân. Kết quả thực hiện 5 Chỉ số: Par Index, SIPAS, PCI, PGI và PAPI năm 2023 của Kiên Giang và kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền số, đạt 11,68/13,5 điểm, xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến tháng 10/2024, Kiên Giang xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 19 bậc so với năm 2023.

Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung cho rằng, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt việc thông tin, tuyên truyền, triển khai nghiêm túc chủ trương của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp; quan tâm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số...

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, năm 2023, cả nước xảy ra 14.000 vụ tấn công ransomware (phần mềm độc hại mã hóa các tệp hoặc ngăn người dùng sử dụng máy tính cho đến khi trả tiền chuộc) được phát hiện; khoảng 83.000 máy tính, máy chủ bị nhiễm mã độc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng. Chủ yếu là hoạt động tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông, gây ngưng trệ hoạt động quản lý, điều hành, thiệt hại lớn về uy tín và hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 201.000 gói dữ liệu bị lộ, lọt trên mạng do mã độc tấn công với khoảng 12,3 triệu dòng thông tin, dữ liệu bị đánh cắp...

Nguyên nhân lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân là do hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin nhưng không có cơ chế bảo vệ hoặc chia sẻ trái phép cho bên thứ ba; lộ, lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu; nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân còn thấp. Các hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không bảo đảm an toàn... Do đó, để đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cần triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp: Lực lượng tại chỗ (đội ứng cứu sự cố); lực lượng chuyên nghiệp (doanh nghiệp an toàn thông tin); kiểm tra đánh giá độc lập; kết nối về Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó là tăng cường chi phí cho nhân lực, phần mềm, triển khai các kế hoạch dự phòng (kế hoạch ứng phó sự cố, duy trì hoạt động hoặc kinh doanh liên tục, kế hoạch khôi phục thảm họa, kế hoạch ứng phó khủng hoảng), chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi rủi ro.

Nhân dịp này, các đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu các mô hình, sản phẩm, giải pháp công nghệ. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tặng giấy khen cho gần 50 tập thể, cá nhân Tổ công nghệ số cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục