Kiên Giang đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô 2020 - 2021

12:18' - 26/03/2021
BNEWS Tỉnh Kiên Giang quyết định đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô 2020 - 2021 trên kênh ông Hiển tại xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang), với dự kiến chi phí khoảng 7 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, chiều dài đập này 62 m, sử dụng cừ Larsen và hệ neo đà giằng bằng thép để thực hiện chặn dòng nước.

Đắp đập này nhằm kịp thời phòng chống, khắc phục mặn xâm nhập, giữ nước ngọt đảm bảo cho sản xuất, nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu vực sông Cái Bé, sông Cái Lớn và địa bàn thành phố Rạch Giá.
Theo đó, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam ra thông báo kể từ ngày 25/3/2021, sẽ cấm hoàn toàn tất cả các phương tiện thủy lưu thông qua khu vực đắp đập tại km 00+800 trên kênh ông Hiển, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành).

Tại khu vực thi công đập, đơn vị chức năng bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế hướng dẫn giao thông thủy, hướng dẫn các phương tiện chuyển sang lưu thông trên các tuyến trình khác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Trong một diễn biến khác, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn trên địa bàn tỉnh như: Châu Thành, An Minh, An Biên, Kiên Lương, Gò Quao, Hòn Đất đã gia cố, đắp mới 206 đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 và chuẩn bị sản xuất vụ lúa Hè Thu 2021 an toàn, hiệu quả.

Các đơn vị chức năng ngành nông nghiệp tỉnh duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn, nạo vét hạ lưu các cống ven biển để đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp, khó lường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tập trung điều tra mặn xâm nhập trên các tuyến sông, tuyến kênh trục chính, phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, mặn xâm nhập vào nội đồng, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
Đối với vùng sản xuất U Minh Thượng, các ngành chức năng quản lý chặt chẽ hệ thống cống, đập giữ nước, khuyến cáo người dân dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, theo dõi tình hình sụt giảm mực nước ở kênh đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng và các kênh nội đồng để phát hiện, xử lý kịp thời tình huống sạt lở có thể xảy ra trong mùa khô.
Tiếp đến, huyện U Minh Thượng tập trung thủy lợi nội đồng, nạo vét các kênh trục trong khu vực để trữ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn quả, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, phòng cháy chữa cháy rừng, lưu thông dòng chảy phục vụ vận chuyển nông sản hàng hóa trong mùa khô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục