Kiên Giang đồng bộ giải pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn

12:05' - 24/02/2020
BNEWS Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn mang lại hiệu quả tích cực, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thi công đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt bằng cừ thép Larsen trên kênh ông Hiển, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN 

Thời điểm này đang vào cao điểm mùa khô 2019 - 2020, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có Kiên Giang.

Hiện tỉnh này đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn mang lại hiệu quả tích cực, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng - thủy văn mùa khô 2019 - 2020 của ngành chức năng Trung ương và địa phương, ngay trước mùa khô này, tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, ổn định sản xuất.

Theo đó, thủy lợi được xác định là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất trong số các giải pháp ứng phó với hạn mặn đến thời điểm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn như: Kiên Lương, Rạch Giá, An Minh, An Biên, Giang Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành đã hoàn thành gia cố, đắp mới gần 200 đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.
Ông Nguyễn Phùng Như, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng cho hay, trước tình trạng xâm nhập mặn sâu vào sông Cái Bé, huyện đắp 8 đập tạm tại các đầu kênh thủy lợi, kênh xáng thông ra sông này để ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn, tạm thời khắc phục được tình trạng mặn xâm nhập vào đất sản xuất.
Đến nay, độ mặn bên trong các đập giảm dưới 1‰, đảm bảo an toàn cho lúa, nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, huyện không chủ quan, tiếp tục đo độ mặn thường xuyên, cập nhật theo dõi dự báo thời tiết để kịp thời ứng phó với những tình huống bất lợi xảy ra trong mùa khô, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.
Ông Lương Văn Thái, ấp Năm Hải, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng phấn khởi bày tỏ, vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Lúa gieo sạ được khoảng 50 ngày tuổi, bắt đầu giai đoạn đòng trỗ rất cần có nước đầy đủ.

Tuy nhiên, sau Tết âm lịch thì sông Cái Bé bị nước mặn xâm nhiễm với nồng độ mặn khá cao nên huyện và xã kịp thời hỗ trợ nông dân đắp các con đập ngay đầu kênh để ngăn mặn.
"Hiện nay, chúng tôi rất an tâm về nước mặn xâm nhập ở sông Cái Bé, không còn lo mặn xâm nhập vào đồng ruộng, lúa đang phát triển tốt.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay sẽ không thua kém mọi năm về năng suất, sản lượng và chất lượng do nông dân ứng dụng kỹ thuật vào đồng ruộng tiến bộ nhiều hơn trước.", ông Lương Văn Thái nói
Tương tự, ông Huỳnh Văn Nhã, Giám đốc Hợp tác xã Năm Hải, huyện Giồng Riềng cho hay, hiện nay lúa 45 - 50 ngày tuổi không bị ảnh hưởng hạn mặn do huyện đã kịp thời xuống các bờ đập ngăn mặn từ sông Cái Bé vào nội đồng.

Hợp tác xã khuyến cáo bà con nông dân thành viên thường xuyên theo dõi độ mặn, đo độ mặn chính xác trước khi bơm nước vào đồng ruộng dự trữ tưới cho lúa để tránh thiệt hại, tăng cường thăm đồng để sớm phát hiện sâu bệnh gây hại, phòng trừ kịp thời cũng như ứng phó với những tình huống bất lợi khác.
Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang đến nay đã thu hoạch hơn 40.500 ha, đạt trên 14% diện tích gieo trồng, số diện tích còn lại hơn 24.520 chủ yếu ở giai đoạn đòng trỗ và trỗ chín. Dự kiến, vùng Tây sông Hậu sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 3/2020 và vùng Tứ giác Long Xuyên cuối tháng 3/2020.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, độ mặn mùa khô 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn mùa khô 2015 - 2016 khoảng 20 ngày, sớm hơn trung bình nhiều năm 2 tháng, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng trên địa bàn tỉnh xuống rất thấp.

Độ mặn ven biển tăng cao gây xâm nhập sâu vào nội đồng trong tháng 1 và  đầu tháng 2/2020 và hiện đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Diện tích lúa bị thiệt hại do mặn đến nay gần 600 ha, tập trung ở 2 huyện Hòn Đất và Kiên Lương, giảm năng suất 30 - 70%. Nguyên nhân chủ yếu là tại các khu vực này, sản xuất lúa - tôm đan xen sử dụng chung kênh thủy lợi cấp, thoát nước.

Các hộ nuôi tôm trong quá trình cải tạo, vệ sinh ao đầm nuôi đã bơm xả nước mặn ra trực tiếp một số tuyến kênh gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

Thi công đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt bằng cừ thép Larsen trên kênh ông Hiển, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN 

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Kiên Giang, dự báo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh này trong thời gian tới tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2015 - 2016. Thời gian độ mặn xảy ra gay gắt nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020.
Trước tình hình này, tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, không lơ là, chủ quan.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý, bảo vệ tốt, an toàn các trà lúa Đông Xuân 2019 - 2020 đang giai đoạn đòng trỗ không bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa gạo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chỉ đạo đơn vị chức năng quan trắc môi trường đúng định kỳ, cập nhật thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; theo dõi, kiểm tra chặt chẽ và tiếp tục đắp đập trên những tuyến kênh rạch có khả năng xâm nhập mặn vào nội đồng, khuyến cáo nông dân không bơm tưới nước cho lúa có độ mặn trên 2‰, không xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục