Kiên Giang giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 46% kế hoạch

08:15' - 04/10/2022
BNEWS Đến trung tuần tháng 9/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang đạt trên 46% kế hoạch, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, nỗ lực hoàn thành đạt và vượt kế hoạch năm 2022 về vấn đề này.

 
Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, đôn đốc các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng triển khai thi công. Đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt, chủ đầu tư theo dõi sát tiến độ dự án đề xuất rút ngắn thời gian thi công và công trình nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, giúp phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các ngành chức năng liên quan phối hợp với huyện, thành phố có dự án vướng giải phóng mặt bằng tập trung đồng bộ vác biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án, công trình trọng điểm. Tỉnh rà soát, kiên quyết cắt giảm các dự án nhỏ lẻ, không hiệu quả, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư và giải ngân.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang Huỳnh Xuân Vũ cho hay, đến trung tuần tháng 9/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hơn 2.454 tỷ đồng, đạt trên 46% kế hoạch; trong đó, 11/38 đơn vị, huyện thành phố giải ngân đạt trên 65% kế hoạch vốn được giao.

Đến thời điểm này, còn 13 đơn vị giải ngân thấp, dưới 45% kế hoạch, một số ngành được giao vốn nhiều như giáo dục - đào tạo 31,2%, giao thông vận tải 41,9%, văn hóa – thể thao 6,7%, du lịch 36,3%, tài nguyên – môi trường 3,16%, huyện Kiên Lương 41,1% và thành phố Phú Quốc 31,4%...

Nguyên nhân giải ngân thấp chủ yếu do một số dự án chậm phê duyệt hoặc điều chỉnh dự toán dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, còn nhiều vướng mắc; một số dự án nhà thầu chưa huy động đầy đủ vật tư, nhân lực, thi công chậm; giá vật liệu xây dựng tăng nên thi công cầm chừng…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, còn nhiều vướng mắc dẫn đến một số dự án đến nay giải ngân chưa cao. Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất; đường ven sông Cái Lớn đi qua các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Gò Quao; đường bộ ven biển Hòn Đất – Kiên Lương; đường tránh thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương; nâng cấp, mở rộng đường quanh núi Hòn Me, huyện Hòn Đất’; đương vào Khu du lịch Ba Hòn, huyện Hòn Đất; Dự án Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông, huyện Kiên Lương; một số dự án đường giao thông trên địa bàn thành phố Phú Quốc….

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân năm 2022 phải đạt 100% kế hoạch.

Tỉnh kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương tỷ lệ giải ngân thấp. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ thực hiện và giải ngân kê hoạch vốn được giao, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.

Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo cam kết đã ký./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục