Kiến nghị giải pháp cải thiện công tác điều hành của TP Hồ Chí Minh

17:04' - 20/02/2024
BNEWS Đại diện xã, phường, thị trấn kiến nghị nhiều giải pháp cải thiện công tác điều hành của Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 20/2.
Đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, đi vào chiều sâu; nhanh chóng sắp xếp lại đơn vị hành chính, bổ sung nhân sự cơ sở... là những kiến nghị được đại diện xã, phường, thị trấn đề xuất tại tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn, gặp mặt Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2024 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 20/2.

Ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch UBND Phường 13, Quận 3 cho biết: Năm 2023, UBND Phường tập trung mạnh vào công tác chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thành phần mềm “Quản lý và tương tác với người dân”. Qua đó, giúp UBND phường tiếp nhận và phản hồi các thông tin của người dân hoặc tuyên truyền các chủ trương, chính sách các văn bản đến người dân một cách trực tiếp, không thông qua hệ thống khu phố, tổ dân phố như trước đây. Triển khai cơ quan không giấy, tất cả cán bộ công chức khi làm việc trao đổi hoặc tham mưu lãnh đạo đều thực hiện trên môi trường điện tử, ngay cả ngoài giờ, ngày nghỉ lễ, kịp thời giải quyết hồ sơ cho người dân.

Theo ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Thành phố đang đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số với những chỉ đạo quyết liệt như tập trung giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sao y… Tuy nhiên công tác chuyển đổi số chỉ dừng lại ở hệ thống chính quyền các cấp triển khai thực hiện, chưa có sự tham gia nhiều của các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể khi người dân thực hiện sao y điện tử các hồ sơ, UBND phường trả kết quả hồ sơ trên môi trường điện tử (email, Zalo) nhưng khi nộp hồ sơ cho các công ty, doanh nghiệp, các đơn vị này vẫn yêu cầu phải có bản giấy sao y, không nhận trên môi trường điện tử. Do đó, địa phương đề xuất UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chấp nhận các văn bản được các cơ quan hành chính giải quyết và cấp hồ sơ trực tuyến, tạo sự đồng bộ và thuận lợi cho người dân.Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức chia sẻ: Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ phường đến khu phố nên kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó nổi bật là công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác vận động nhân dân; công tác thu thuế; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng các phường cũng đề xuất Thành phố nhanh chóng bổ sung biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách theo Đề án cơ cấu, số lượng người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số và hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn và theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, giúp các phường, xã có thêm nhân sự giải quyết hồ sơ công việc kịp thời, nâng cao sự hài lòng của người dân, giải quyết tình trạng quá tải công việc của một số bộ phận tại phường, xã hiện nay.

Đối với Đề án sắp xếp khu phố, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Hiện nay các phường, xã, thị trấn đã hoàn tất việc lập Đề án cũng như chuẩn bị nhân sự cho khu phố mới; đề xuất Thành phố nhanh chóng phê duyệt Đề án để các khu phố mới có thể đi vào hoạt động cuối quý I năm 2024 theo kế hoạch. Thành phố cũng cần nhanh chóng có kết luận về chế độ chính sách, mức phụ cấp hàng tháng cho người hoạt động không chuyên trách tại khu phố mới; cấp kinh phí để sửa chữa lại khu phố, trang bị thêm máy vi tính, bàn làm việc vì sau khi sắp xếp lại sẽ có nhiều khi phố sinh hoạt chung tại một trụ sở cũ.

Ngoài việc quan tâm phát triển hệ thống giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2, Vành đai 3... đại diện các xã, phường cũng đề xuất Thành phố quan tâm đầu tư kinh phí để các quận huyện, phường xã có điều kiện để nâng cấp hệ thống đường giao thông hiện hữu, không để tình trạng đường đất, sỏi đá... trên địa bàn.

Đánh giá cao các ý kiến đề xuất của các xã, phường, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đảm bảo làm việc nghiêm túc, rà soát các công việc tồn đọng cần giải quyết. Năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 -8%, trong khi các tín hiệu kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị phải rà soát các công việc trọng tâm đã đề ra, kế hoạch mục tiêu ngắn, trung, dài hạn; chọn thứ tự ưu tiên, phân công người phụ trách và xác định thời hạn, định lượng công việc. Quản lý sử dụng thời gian, tiến độ thực hiện để đảm bảo hoàn thành tốt; tăng cường giám sát, nhắc nhở, xử lý trường hợp các trường hợp thiếu trách nhiệm, làm chưa đúng.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là rất nặng với hơn 190 nhiệm vụ khác nhau; trong đó có 63 nhiệm vụ phải hoàn thành trong quý I. Một trong những nội dung quan trọng nhất chính là giải ngân đầu tư công, tính đến ngày 20/2, thành phố mới giải ngân được 1.233 tỷ đồng, bằng 1,6% kế hoạch cả năm; trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho quý I là giải ngân đầu tư công đạt 10 - 12%  kế hoạch năm.

“Ngay từ lúc này, các sở, ngành, quận huyện phải tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch, hỗ trợ xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng. Triển khai chuyển đổi số theo chiều sâu, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98… Các xã, phường, quận, huyện ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao cho đơn vị thi công trước ngày 30/6 để đảm bảo tiến độ giải ngân đã đề ra, tránh tình trạng “đầu năm thong thả mà cuối năm hối hả”, ông Phan Văn Mãi yêu cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục