Kiến tạo lợi thế mới thu hút nhà đầu tư đến Tp. Hồ Chí Minh

17:24' - 12/12/2023
BNEWS Để Nghị quyết 98/2023/QH15 trở nên khả thi và thiết thực hơn, Tp. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị các phương án cụ thể về cách triển khai, tài chính, kế hoạch về quỹ đất,...

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh bước đầu nới rộng “chiếc áo” để Tp. Hồ Chí Minh phát triển, tuy nhiên muốn thu hút được những nhà đầu tư chất lượng vấn đề cấp thiết là phải tạo ra môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả.

 

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư 2023” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 12/12.

Tăng cường đối thoại, hỗ trợ pháp lý

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã được thiết kế với nhiều chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh, gắn liền cùng các nhóm quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, quản lý về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động, xu hướng toàn cầu hoá bị chững lại, sự cạnh tranh giữa các nước lớn, nhu cầu tiêu dùng giảm sút khiến thị trường bị “phân mảnh”, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược thì môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, ít rủi ro, dự báo được mới là yếu tố quan trọng tác động đến việc đưa ra quyết định đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, hoạt động đầu tư đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, mà còn giúp cải tiến hơn nhiều trong chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật, giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn. Tại Tp. Hồ Chí Minh, vấn đề thu hút đầu tư và cải tiến môi trường đầu tư hiện tại đang được xem là mũi nhọn của chính quyền thành phố. Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh được xem là công cụ pháp lý cần thiết để Tp. Hồ Chí Minh phát huy sự năng động nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy thành phố khai thác triệt để vị trí đầu tàu kinh tế theo hướng bền vững.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, khung pháp lý và cách thức tổ chức vận dụng quy định pháp luật có thể xem là một trong những yếu tố then chốt, góp phần quyết định sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư, không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh mà còn ở tất cả các tỉnh thành khác. Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đã và đang rất có lòng tin về môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh, kể cả ở giai đoạn khó khăn nhất. Vì thế, cần phải đem đến cho họ sự đảm bảo về tính an toàn khi thực hiện đầu tư, mà trong đó an toàn về pháp lý là yêu cầu cấp thiết nhất.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 nhấn mạnh: Nghị quyết 98/2023/QH15 là công cụ pháp lý hữu hiệu giúp tháo gỡ hai điểm nghẽn làm cản bước phát triển của thành phố bấy lâu nay là thể chế và hạ tầng. Đây là lần đầu tiên Tp. Hồ Chí Minh được trao một nghị quyết có nhiều nội dung mang tính đột phá, mở đường cho nhiều hướng đi cải cách vượt bậc. Tuy nhiên, để nghị quyết thực sự đi vào đời sống, phát huy hết vai trò như kỳ vọng thì rất cần những hành động cụ thể, sát sườn với doanh nghiệp. Cụ thể như mô hình “Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư” (ILS Forum) là cực kỳ cần thiết và đóng vai trò cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng nhà đầu tư – các đơn vị tư vấn, yểm trợ pháp lý và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, “Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh tổ chức là mô hình mới (tổ chức thường niên), kế thừa điểm mạnh của các chương trình, diễn đàn doanh nghiệp trước đây và bổ sung nhiều sáng kiến mới nhằm phát huy thế mạnh và tạo hiệu ứng cộng hưởng trong việc cải thiện môi trường đầu tư về lĩnh vực pháp lý tại thành phố. Về mô hình, diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư sẽ tập trung vào hai nội dung chính gồm phản ánh, kiến nghị của nhóm các nhà đầu tư trong, ngoài nước tại Tp. Hồ Chí Minh và giải pháp pháp lý trong ngắn hoặc dài hạn của các chuyên gia đến từ các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức tư vấn…

Tạo môi trường đầu tư an toàn

Phân tích về cơ hội và thách thức đối với nhà Tp. Hồ Chí Minh và nhà đầu tư, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Nhà nước đã ban hành Luật đầu tư theo hướng đối tác công tư và một số văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động đầu tư bằng hình thức này. Tại Tp. Hồ Chí Minh, việc Nghị quyết 98/2023/QH15 được áp dụng là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho thành phố có thể chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án PPP mang tính khả thi.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Kiên, việc triển khai các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc; mặc dù các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, cả phía nhà nước lẫn khu vực tư nhân vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định loại hợp đồng sao cho phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất của dự án. Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, sự thiếu hụt các hướng dẫn cụ thể và được quy định tường minh tại luật và các văn bản pháp luật khiến cả các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hết sức lúng túng khi tham gia vào hợp đồng PPP.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phân tích: Nghị quyết 98/2023/QH15 mặc dù có nhiều bước tiến vượt bậc so với khung pháp lý về PPP (ở một số điều khoản), nhưng lại đặt ra cho nhà đầu tư nhiều băn khoăn khi không có hướng dẫn chi tiết và có nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định việc áp dụng hình thức hợp đồng đối tác công – tư đối với các lĩnh vực mới như thể thao, văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư hiện chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực mà không bao gồm 2 lĩnh vực nói trên, vậy việc áp dụng PPP đối với hai lĩnh vực này có khả năng sẽ gây ra một số cản trở nhất định cho nhà đầu tư khi xây dựng, vận hành dự án.

Chưa kể, việc thu hồi vốn từ các công trình thể thao, văn hoá hiện nay cũng đang còn nhiều vướng mắc, khiến nhà đầu tư còn chưa tự tin để quyết định. Bên cạnh đó, vấn đề áp dụng mẫu hợp đồng BOT (hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước) và BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 hiện nay cũng gây nên một số tranh cãi liên quan đến sự chênh lệch lớn so với khung pháp lý hiện hành, hình thức thanh toán, khả năng thanh toán...

Trong khi đó, ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink nêu góc nhìn: Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội mới, giúp thành phố, nhà đầu tư có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn đang tồn tại ở các công trình cũng như mở rộng phạm vi thực hiện PPP. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, đưa quy định này vào cuộc sống, vào các dự án, các hướng dẫn về quy trình, về hoạt động thanh toán, thậm chí là về kiểm soát rủi ro cần được ban hành. Bên cạnh đó, yếu tố chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa thành phố và nhà đầu tư cũng cần được cân nhắc để hài hoà lợi ích cho đôi bên.

Để Nghị quyết 98/2023/QH15 trở nên khả thi và thiết thực hơn, Tp. Hồ Chí Minh cần chuẩn bị các phương án cụ thể về cách triển khai, tài chính, kế hoạch về quỹ đất, bồi thường, thu hồi và sử dụng đất; đồng thời, cần phối hợp với các cấp có thẩm quyền, trung ương để nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn trong vận hành các dự án thu hút đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục