Kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp tại Việt Nam

14:36' - 11/05/2016
BNEWS Kinh doanh cùng người thu nhập thấp là một mô hình hiệu quả dành cho khu vực tư nhân Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững
Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Tăng cường kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp vì các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Tăng cường kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp vì các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” tổ chức sáng ngày 11/5 tại Hà Nội đã thu hút quan tâm của đại diện các cơ quan nhà nước, các tổ chức nước ngoài và các doanh nghiệp.

Bà Minja Nieminen, Cố vấn cao cấp, Tổ chức Business Call to Action cho biết, vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và hành động của khu vực này là chìa khóa dẫn tới thành công của mỗi mục tiêu, thông qua hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, áp dụng mô hình kinh doanh mới, đầu tư, sáng tạo và đổi mới công nghệ, hợp tác…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về những cơ hội cho khu vực tư nhân khai thác thị trường mới thông qua mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp; việc làm thế nào tận dụng đà triển khai của các mục tiêu phát triển bền vững để tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp ở cấp độ quốc gia;

Những hoạt động cần được thực hiện ở cấp độ ngành nhằm định hướng sự phối hợp để xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho mô hình kinh doanh bền vững tới người thu nhập thấp, giúp thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Với sứ mệnh phát triển mô hình kinh doanh nông nghiệp sinh thái bền vững, ông Nguyễn Hồng Quang, đại diện Ecofarm cho biết, Ecofarm có 10 công ty thành viên tại 6 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây nông nghiệp, áp dụng công nghệ sạch trên nền tảng sinh học và các dịch vụ cho cây trồng nông nghiệp.

Mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp mà Ecofarm đang nỗ lực thực hiện, chính là tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp, nông dân, chính quyền địa phương và các nhà khoa học, qua đó thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa; tăng cường tín dụng đầu vào cho nông dân, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và hợp đồng mua bán; phát triển các hoạt động nghiên cứu và tạo dựng nhiều hợp tác xã nông nghiệp…

Chia sẻ thực tế về phương thức kinh doanh với người thu nhập thấp, ông Nguyễn Huy Văn, Chủ tịch Traphaco cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng với từng hộ dân, cam kết trong đầu ra, đồng thời thành lập quỹ quay vòng để hỗ trợ người dân phát triển dược liệu.

Từ đó tới nay, Traphaco đã có Nhà máy chế biến dược liệu trên Sapa (Lào Cai) với công xuất trên 2.000 tấn dược liệu/năm; phát triển vùng trồng và thu hái dược liệu khoảng trên 100 ha với sự tham gia của khoảng 600 hộ nông dân; xây dựng Nhà máy chế biến tại Lào Cai (sản xuất trên 50 tấn cao khô/năm và 3.000 dược liệu/năm) với mức đầu tư 1,5 triệu đô la Mỹ…

Với quan điểm tăng cường kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp vì các mục tiêu phát triển bền vững, Traphaco đã tạo ra 3.000 việc làm mới, góp phần tăng thu nhập của người lao động thiểu số ở từ 200 USD lên 300 USD/năm, 1 triệu công nhân đã được tiếp cận, đào tạo và làm theo các tiêu chuẩn GACP-WHO, UEBT, OGRANIC…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục