Kinh doanh khách sạn tại Nhật Bản thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài

11:42' - 04/07/2023
BNEWS Các doanh nghiệp bất động sản lớn của nước ngoài vốn đã khẳng định được vị thế ở các đô thị lớn của Nhật Bản, nay đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp ở các khu vực khác.

Mặc dù ngành dịch vụ khách sạn Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhưng lại đối diện với cuộc cạnh tranh gay gắt ở ngay chính “sân nhà”. Gần đây, các “ông lớn” như Tokyu Holdings hay Seibu Holdings đang cho thấy những chuyển dịch sang mô hình hợp đồng quản lý thay vì sở hữu bất động sản, tiệm cận với mô hình kinh doanh của các nước tư bản lớn.

Các doanh nghiệp bất động sản lớn của nước ngoài vốn đã khẳng định được vị thế ở các đô thị lớn của Nhật Bản, nay đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp ở các khu vực khác, kể cả vùng nông thôn.

 

Ví dụ tại Kyushu, Tập đoàn kinh doanh và quản lý khách sạn lớn nhất thế giới Marriott International vừa mới khai trương khách sạn The Ritz-Carlton Fukuoka, tiêu chuẩn cao cấp với giá khoảng 100.000 yen/đêm (khoảng 700 USD/đêm) cho phòng hai người.

Trước đó, Marriott đã khai trương khách sạn Sheraton Kagoshima và dự kiến sẽ cho ra mắt Nagasaki Marriott vào đầu năm 2024. Giá thuê phòng của các khách sạn cao cấp này tương đương với các khách sạn hàng đầu trong nước khiến cuộc cạnh tranh trở nên ngày càng gay gắt tại thị trưởng Nhật Bản.

Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Nhật Bản đã gia tăng đáng kể sau khi các hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục hoàn toàn nhưng nhiều tập đoàn kinh doanh và quản lý khách sạn lớn của Nhật Bản lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung dẫn đến khó đạt được lợi nhuận như tính toán.

Theo thống kê của Tokyu Holdings, doanh nghiệp này đã cải thiện đáng kể khoản lỗ 31,2 tỷ yen (hơn 200 triệu USD) trong năm 2020 nhưng vẫn ghi nhận khoản lỗ 4,1 tỷ yen (gần 30 triệu USD) trong năm 2022 và sẽ có thể sẽ khó khăn hơn nữa trong bối cảnh hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lớn của nước ngoài đang đổ xô đầu tư vào Nhật Bản.

Để kiểm soát rủi ro, các “ông lớn” như Tokyu Holdings hay Seibu Holdings đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung vào giải pháp hợp đồng quản lý (MC), thay vì tiếp tục mở rộng đầu tư sở hữu bất động sản dịch vụ khách sạn.

Về nguyên tắc, MC là hình thức kinh doanh mà các doanh nghiệp Nhật Bản nhận sự ủy thác của các nhà đầu tư nước ngoài để vận hành và quản lý khách sạn. Ưu điểm lớn nhất là có thể linh hoạt về mặt tài chính và kiểm soát được rủi ro thua lỗ nhưng lại khó tăng lợi nhuận trừ khi tăng số lượng tiếp cận các cơ sở ủy thác.

Theo một lãnh đạo của Tokyu Holdings, doanh nghiệp này lên kế hoạch vận hành MC quy mô lớn, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tiếp nhận khoảng 15 cơ sở dịch vụ khách sạn được ủy thác với khoảng 4.000 phòng.

Trong khi đó, Seibu Holdings còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mô hình này với việc bán đi 26 khách sạn mà doanh nghiệp này đang sở hữu để xây dựng một quỹ trị giá 100 tỷ yen (khoảng 700 triệu USD) để tái cấu trúc chiến lược kinh doanh mà cốt lõi là vận hành MC. Chủ tịch Seibu Holdings, ông Takashi Goto cho biết, doanh nghiệp này không chỉ hướng tới cải thiện sự hài lòng của khách hàng (CS) mà còn cải thiện sự hài lòng của chủ sở hữu (OS).

Tuy nhiên, việc vận hành MC cũng đối diện với khó khăn lớn là làm thế nào để cải thiện tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại Nhật Bản nói chung và trong ngành dịch vụ khách sạn nói riêng hiện nay. Nhật Bản vẫn nổi tiếng là quốc gia có dịch vụ lễ tân hàng đầu thế giới nhưng không dễ để duy trì lực lượng lao động lớn, chất lượng cao có kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chính vì thế, một chiến lược rõ ràng và thận trọng về mô hình MC sẽ quyết định thành bại của các doanh nghiệp kinh doanh và quản lý khách sạn Nhật Bản trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục