Kinh doanh logistics chưa được tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam

13:31' - 17/11/2015
BNEWS Sự hấp dẫn và hiệu quả của việc kinh doanh logistics là điều không thể phủ nhận, nhưng ngành kinh doanh được coi là "hốt bạc" này vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện để phát triển ở Việt Nam.
Hệ thống kho chứa hàng của Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Tại Hội thảo “Thông tin thị trường và cơ chế tạo thuận lợi thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức sáng 17/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, sự hấp dẫn và hiệu quả của việc kinh doanh logistics là điều không thể phủ nhận, nhưng ngành kinh doanh được coi là "hốt bạc" này vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện để phát triển ở Việt Nam.

Vì vậy, muốn xuất khẩu tốt thì trước tiên phải tạo thuận lợi thương mại, giá trị cạnh tranh và ngành logistics hiệu quả. Đồng thời, cần phải có giá trị gia tăng cung ứng ra thế giới, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực cảng biển sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có giá trị kinh tế cao hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, điểm yếu sau khi hội nhập của Việt Nam là năng lực cạnh tranh thương mại còn thấp, thể hiện ở chuỗi cung ứng hàng hóa chưa tạo giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp.

Thủ tục, quy định về thương mại biên giới và đặc biệt là hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics chưa được quan tâm. Tuy nhiên, thách thức đặt ra với Việt Nam là gia tăng thâm hụt thương mại, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp.

Do đó, việc nâng cao các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thương mại sẽ đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu các ngành mũi nhọn của Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Văn phòng Đại diện ADB tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đã nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đang nằm trước quá trình thúc đẩy hội nhập vào thị trường khu vực và toàn cầu.

Về phía ADB cũng nhận biết được những biện pháp được chủ động thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Quá trình này cần sự hợp tác của cả hai bên nhưng quan trọng hơn cả là cộng đồng doanh nghiệp cần hưởng ứng những biện pháp của Chính phủ nhằm tận dụng lợi thế của những cơ hội mới.

Vì thế, hội thảo là bước đầu tiên trong nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho thương mại phát triển hơn. Dưới góc độ doanh nghiệp, cũng cần tham gia đầy đủ để tạo thuận lợi thương mại và tăng khả năng cho hàng hóa xuất khẩu.

Xe Container vận chuyển hàng hóa của Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chủ yếu cố gắng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào những phần cho sản xuất như nguyên liệu, phụ liệu để giảm thiểu tỷ lệ phải nhập khẩu. Bởi trong thuận lợi hóa thương mại, chúng ta đã có rất nhiều cái phải "hy sinh" cho một số ngành khi tham gia hay ký kết các hiệp định thương mại.

Để hưởng lợi từ những chính sách mang lại, bản thân ngành đó nếu không tự sản xuất nguyên phụ liệu thì cũng sẽ không được hưởng thành quả từ các Hiệp định thương mại đem lại.
Đại diện doanh nghiệp ngành hàng hải cũng cho hay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều ký hợp đồng nhập khẩu theo giá CIF và xuất khẩu theo giá FOB, nên hàng hóa xuất nhập khẩu đều do các hãng tàu nước ngoài vận chuyển.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài rất ít chọn các doanh nghiệp trong nước để vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa. Do vậy, một khoản chi phí rất lớn cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đã được trao cho các doanh nghiệp nước ngoài, vào khoảng 17 tỷ USD/năm.

Nếu như ký hợp đồng mua theo điều kiện FOB thì doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã có thể đem nguồn thu hàng tỷ USD tiền vận tải về cho đất nước.
Chia sẻ về chính sách pháp luật về logistics tại Việt Nam, ông Bùi Hồng Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ, dịch vụ logistics bao gồm các dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc dỡ. Ở một số nước trên thế giới như Singapore , chi phí logistics chỉ chiếm 12 - 15%.

Nhưng ở Việt Nam, con số này lên tới 20% tổng chi phí/đơn vị hàng hóa xuất khẩu. Không chỉ vậy mà nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Sự thiếu đồng bộ của các phương thức vận chuyển, thường được gọi là hành lang đa phương thức, đang tạo ra sự tắc nghẽn dòng dịch chuyển logistics, làm tăng chi phí và hạn chế sự phát triển của ngành logistics toàn diện trên phạm vi cả nước. Điều này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất phát từ những nguyên nhân này, ông Minh cho rằng Việt Nam cần cải cách thể chế ở tầm vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và tạo cạnh tranh với các quốc gia khác.

Vì hội nhập kinh tế quốc tế có thể mang đến cơ hội xuất khẩu, nhưng cũng mang lại thách thức cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có chính sách tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thị trường hàng hóa chưa đa dạng, đòi hỏi cần có cách thức mới để tạo cạnh tranh thương mại toàn cầu cho hàng hóa./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục