Kinh doanh trên nền tảng số là cơ hội lớn cần tận dụng sau đại dịch

18:13' - 24/11/2020
BNEWS Kinh doanh trên các nền tảng số với các giao dịch hàng hóa, dịch vụ qua internet chính là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải biết tận dụng và phát huy.

Chiều 24/11, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh tế 2021 với chủ đề "Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế".

Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện một số bộ ngành, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội ngành hàng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, nền kinh tế thế giới và trong nước đang bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19.

Các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng của các quốc gia; trong đó có Việt Nam. Bức tranh kinh tế thế giới thì đã ngày càng trở nên bi quan hơn.

Tuy vậy, theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn so với hầu hết các nền kinh tế tương tự khác.

Triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, thực sự đất nước vẫn chưa qua khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm...

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng: "Song song với việc triển khai gói hỗ trợ lần một thì gói hỗ trợ thứ hai cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch...".

Đánh giá về các nguy cơ đối với Việt Nam trước những sự kiện và bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, khi chủ nghĩa bảo hộ, dân túy mạnh lên với cuộc chiến tranh thương mại và sự dịch chuyển chính sách của Trung Quốc và của Hoa Kỳ đã bộc lộ những mặt trái của hội nhập mà toàn cầu hóa chưa thể giải quyết được.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đều đang đứng trước giai đoạn hết sức khó khăn; trong đó, có nhiều vấn đề nội tại như cạnh tranh không lành mạnh; nguy cơ về an ninh mạng hay sự phụ thuộc vào công nghệ số....

Việt Nam đang hội nhập rất nhanh và đang xoay trục lại thị trường, xoay chuyển lại cán cân thương mại với việc tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do trên toàn cầu.

Trong bối cảnh như hiện nay, theo ông Minh Anh, Việt Nam cần cố gắng giữ gìn những gì đang có như các Hiệp định: EVFTA, CPTPP hay RCEP....

Đồng thời tiếp tục duy trì các hiệp định thương mại tự do và thương mại điện tử quốc tế. Chính phủ nên ưu tiên phát triển nhận dạng số bằng tiếng Việt; xây dựng các rào cản thông minh; phát triển mạnh mẽ việc thanh toán điện tử..., ông Minh Anh khuyến nghị.

Bàn về các xu hướng kinh doanh sau đại dịch COVID-19, ông Vũ Tú Thanh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định đại dịch đang có những tác động không đồng đều theo từng khu vực địa lý, theo từng lĩnh vực kinh doanh, theo quy mô doanh nghiệp và theo mức độ chuyển đổi số.

Với quy mô kinh tế internet Việt Nam là 14 tỷ USD đang tăng 16% so với năm trước bất chấp đại dịch.

Dự báo con số này sẽ đạt mức 50 tỷ USD trong 5 năm tới và Việt Nam sẽ chỉ đứng sau duy nhất Indonesia.

Kinh doanh trên các nền tảng số với các giao dịch hàng hóa, dịch vụ qua internet chính là cơ hội lớn mà Việt Nam cần phải biết tận dụng và phát huy.

Đi vào từng ngành và lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) bày tỏ sự lo lắng về mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế cho dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB); thậm chí độ mở còn cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần so với Trung Quốc hiện nay.

Mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN, thậm chí mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam cũng còn rất thấp mà chủ yếu chỉ ở cấp độ "chế biến, chế tạo mức hạn chế", do đó cần tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao năng suất.

Ông Vân cho rằng, về trung và dài hạn, Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công - tư, chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó 2 nhân tố cần đặc biệt ưu tiên là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết cấu.

Để thúc đẩy công nghệ hỗ trợ nội địa phát triển, theo ông Vân, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển, cải thiện thủ tục hành chính và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được và chuyển từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi"...

"Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và chung tay của các bên liên quan như Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách... Có như vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới có thể chủ động và sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục