Kinh nghiệm "3 tại chỗ" tạo đà cho doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh

15:11' - 27/09/2021
BNEWS Dựa trên những quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", cộng đồng doanh nghiệp Việt đã đảm bảo duy trì cơ bản hoạt động của công ty, nhà máy.

Dịch COVID-19, cùng với giãn cách xã hội đã gây thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trong thời gian qua, nhưng với tinh thần linh hoạt trên thương trường, doanh nghiệp Việt đã kịp thời thích ứng với môi trường đầu tư, kinh doanh mới.

Trong đó, một số doanh nghiệp cho biết, họ có những kinh nghiệm nhất định khi tổ chức sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ" và đây là cơ sở tạo đà tái sản xuất, kinh doanh khi dịch COVID-19 được kiểm soát và chính quyền địa phương từng bước mở cửa hoạt động kinh tế, xã hội.

*Đảm bảo nhà xưởng xanh, công nhân khỏe

Hơn thế nữa, dựa trên những quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", cộng đồng doanh nghiệp Việt đã đảm bảo duy trì cơ bản hoạt động của công ty, nhà máy.

Đồng thời, kết hợp với sự nỗ lực đổi mới sáng tạo phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 cũng đã góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vững vàng hơn trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.

Điển hình, "3 tại chỗ" và "y tế tại chỗ" được cộng đồng doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện không chỉ là một trong những yếu tố giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn bảo vệ  sức khỏe cho đội ngũ người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra những mục tiêu như chủ động đảm bảo nhà xưởng xanh và công nhân khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty nhựa Bình Minh, doanh nghiệp đang vận hành 4 nhà máy thuộc địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và những nhà máy này đều thực hiện "3 tại chỗ".

Kinh nghiệm cho thấy, trong thời gian "3 tại chỗ" thì vấn đề quan trọng nhất là ổn định tâm lý người lao động, cũng như người chủ doanh nghiệp phải giữ vững tinh thần không chủ quan nhưng không sợ hãi.

Còn bà Ong Thị Kim Ngân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hũu hạn khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà cho biết, từ thời điểm đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề liên quan đến dịch bệnh và thành lập Ban an toàn COVID-19 tại công ty, nhà xưởng.

Ban an toàn COVID-19 được xem như đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho đội ngũ nguồn lao động; cung cấp thực phẩm, thuốc...

Mặt khác, Công ty Thanh Hà cũng gặp khó khăn về nguyên vật liệu sản xuất nên buộc phải điều chỉnh kế hoạch thư mua và tồn kho.

Nếu trước đây khi nào cần nguyên vật liệu mới mua, thì từ năm 2020 đã chuyển đổi theo xu hướng tăng tỷ lệ dự phòng nguyên vật liệu, nhằm đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tại Công ty Thanh Hà, còn thành lập thêm kho phụ và tách riêng biệt bộ phận giao nhận ra khỏi bộ phận sản xuất. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, thì bộ phận giao nhận là đơn vị có nguy cơ cao trong lây nhiễm và mang lại rủi ro lớn cho nhà máy, phân xưởng sản xuất.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cũng chia sẻ những cách làm riêng trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như tập trung vào chiều sâu, đầu tư chất lượng bao bì sản phẩm.

Nhóm doanh nghiệp này đầu tư thêm máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình tự động, khuyến khích đội ngũ người lao động và cộng tác viên đưa hàng lên thị trường online.

Song song với việc doanh nghiệp đầu tư vào chất lượng sản phẩm sẽ tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, thì thúc đẩy thị trường online giúp quảng bá sản phẩm và cập nhật thông tin thương hiệu đến mọi khác hàng.

Đây cũng được doanh nghiệp đánh giá là giải pháp duy trì sản xuất ổn định, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm hiểu thị trường online và tạo nền tảng đưa sản phẩm vào nhóm ngành hàng của kênh thương mại điện tử trong thời gian tới.

*Tái sản xuất, kinh doanh tại "vùng xanh"

Ở góc độ chính quyền địa phương, bà Phan Trang Hương, Trưởng phòng kinh tế quận 7, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, hiện trên địa bàn quận có khoảng 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh; siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc; xây dựng, dịch vụ công... được phép thí điểm hoạt động khi địa phương này được công nhận là "vùng xanh".

Bên cạnh đó, những đơn vị này cũng được gắn bảng "doanh nghiệp xanh", "hộ kinh doanh xanh"...  và chính quyền quận 7 đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thông qua cấp  mã QR khai báo y tế điện  tử... 

Mặc dù vậy, cũng như những địa phương khác thuộc "vùng xanh" như huyện Cần Giờ, Củ Chi, thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại quận 7 đang thiếu nguồn lao động khi tái hoạt động trở lại.

Trong đó, nhiều đơn vị cho thấy sự lúng túng khi tiếp cận quy định "3 tại chỗ" nên khâu chuẩn bị và tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp thách thức không nhỏ.

Cụ thể, theo điều kiện cơ bản để cơ sở sản xuất, kinh doanh tái hoạt động trở lại là phải "xanh", nên những đơn vị sản xuất, kinh doanh nào đã thực hiện "3 tại chỗ" trong thời gian qua cho thấy bắt nhịp thị trường nhanh hơn những đơn vị tái mở cửa hoạt động trở lại trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, đơn vị sản suất, kinh doanh có lợi thế đảm bảo được nguồn lao động, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tốt hơn những doanh nghiệp khác.

Liên quan đến "doanh nghiệp xanh", đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 là một trong những đơn vị đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 7 công nhận là “Doanh nghiệp xanh”.

Đồng thời, chính thức mở cửa đón khách  từ ngày 16/9/2021 đến nay, với kế hoạch hàng hóa, vận hành phù  hợp với diễn biến biến mới của thị  trường.

Nhằm phục vụ người dân tốt nhất, hệ thống siêu thị “xanh” thuộc Saigon Co.op sẽ tiến hành đánh giá sức mua hàng ngày và từ đó có phương án chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Trong trường hợp sức mua tăng đột biến, hệ thống siêu thị “xanh” sẽ được tiếp ứng hàng hóa nhanh nhất từ các điểm bán gần nhất trong hệ thống Saigon Co.op. 

Hệ thống siêu thị “xanh” Saigon Co.op đã và đang tăng cường giám sát 5K, khai báo y tế chặt chẽ, đồng thời thực hiện phương án điều tiết khách hàng ra vào... nhằm đảm bảo khu mua sắm chung được đảm bảo quy định về giãn cách.

Song song đó, một số siêu thị còn thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship) để sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân Tp. Hồ Chí Minh.

Ở lĩnh vực doanh nghiệp quản lý đội ngũ người giao hàng (shipper), đại diện Gojek Việt Nam chia sẻ, đã chủ động lên nhiều phương án khả thi, tạo điều kiện cho số lượng shipper cao nhất có thể tiếp tục tham gia lưu thông sau ngày 23/9 đến nay.

Mục tiêu của phương án là vừa đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, vừa thực hiện biện pháp phòng chóng  dịch COVID-19.

Để tránh tình trạng tập trung đông người, Gojek sử dụng công nghệ để sắp xếp khung thời gian và cũng tích hợp vào mã QR này để hẹn giờ đối tác tài xế đến nhận bộ xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát về chuyên môn, theo hướng dẫn của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh. Thống kê, trung bình mỗi giờ có khoảng từ 10-15 đối tác tài xế tại 1 điểm test COVID-19.

Ghi nhận từ thời điểm 16/9, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” đến nay, người dân thành phố khá phấn khởi khi được mua sắm và tiếp cận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngày càng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, người dân thành phố cũng cho rằng, cùng với chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nghiêm túc phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở hoạt động.

Bởi theo người dân Tp. Hồ Chí Minh, vấn đề bảo vệ "vùng xanh" và mở rộng "vùng xanh" cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn dân.

Ngoài ra, chỉ có kiểm soát  được dịch COVID-19 hiệu quả, người dân thành phố mới yên tâm làm ăn, sinh sống và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục