VCCI: Đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

10:36' - 27/09/2021
BNEWS VCCI đề xuất Chính phủ đẩy nhanh thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước... trong Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “không kêu khó, kêu khổ, nhanh chóng tìm giải pháp” tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Phạm Tấn Công, Tân Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, VCCI cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Theo quan điểm của người đại diện VCCI, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020,  như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Liên quan tới các chính sách tín dụng, ông Phạm Tấn Công cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh dưới hình thức các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...; đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn, trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất,  kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và trong mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Công lưu ý.

Bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, VCCI cũng đề xuất Chính phủ xây dựng ngay các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết và đang là thành viên. 

Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam kéo dài trong suốt nhiều tháng qua và vẫn diễn biến phức tạp, đã ngấm sâu, lan rộng những tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội; trong đó, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Phạm Tấn Công, không thể trở về trạng thái Zero COVID nên nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ. 

“Tình hình đã thay đổi, chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Quan điểm mới này dẫn đến việc cần thay đổi chiến lược ứng phó với COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh", ông Công nói.

Vừa qua, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 và ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến 24/7. Theo đó, VCCI cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã triển khai nhanh các nhiệm vụ được Chính phủ giao theo Nghị quyết 105/NQ-CP, bao gồm: nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; tăng cường việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giao thương trong mùa dịch.

Các hoạt động của hội đồng được triển khai hoàn toàn trên nền tảng số hoá, tương tác với tất cả các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp rất thuận tiện, nhanh chóng và liên tục 24/7. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của hội đồng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó thành công với COVID-19, VCCI kiến nghị Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện cho VCCI và hội đồng kết nối, phối hợp trực tiếp với Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 cấp quốc gia cũng như của các ngành, các địa phương; qua đó, các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục