Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp

16:52' - 24/10/2019
BNEWS Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, thách thức lớn nhất của các hợp tác xã Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng là đất đai nông nghiệp thuộc quyền quản lý nhiều bộ ngành liên quan.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Nhằm nâng cao kiến thức cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, ngày 24/10, Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp”.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban, các sở ngành cùng các địa phương và hợp tác xã.

Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 278.000 ha đất nông nghiệp với thế mạnh là thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, có giải pháp tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã.

Đến nay, tỉnh có 173 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 53.448 thành viên. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực; trong đó, chủ yếu là cung cấp dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất lúa gạo, phát triển cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng và thủy sản.

Tham gia hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn được tìm hiểu những chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản; mô hình tổ chức hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản.

Ngoài ra, hội thảo cũng quan tâm đến các vấn đề tổ chức hoạt động tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; mối liên kết hợp tác của hợp tác xã với doanh nghiệp và hợp tác xã khác trong hoạt động kinh doanh và tổ chức dịch vụ cho thành viên.

Đặc biệt là phương thức tuyên truyền vận động thành viên tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và quy trình chung của hợp tác xã để tạo vùng sản xuất quy mô lớn, sản xuất ra sản phẩm có số lượng lớn, đồng đều có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo đó, đại diện Liên hiệp Trung ương các Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản - ông Koda Ryosuke thông tin, tính đến tháng 7/2019, Nhật Bản có 607 hợp tác xã nông nghiệp, với hơn 8,6 triệu hộ nông dân.

Ngoài việc hướng dẫn nông dân sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp như phân bón, máy móc nông nghiệp… cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, tiêu thụ nông sản.

Khi tiến hành thu mua gạo từ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp vận hành nhà kho lưu trữ gạo và điều hành trung tâm lúa gạo để đảm nhận các công đoạn: tập hợp thóc, phơi khô, xay xát, vận chuyển…

Ông Kimuara Yoshihisa – Cố vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyên gia JICA nói, tại Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp là một trong các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nông nghiệp, được các nông dân lập nên để hỗ trợ lẫn nhau nhằm tối đa hóa thu nhập nông nghiệp thông qua việc bán các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu sản xuất,… một cách thích hợp.

Ông Kimuara Yoshihisa nói thêm, một trong những bước tiến của Nhật Bản giúp nền nông nghiệp phát triển là thực hiện thành công công trình dồn điền đổi thửa.

Tính đến năm 2017, diện tích đất nông nghiệp trung bình của mỗi hộ kinh doanh nông nghiệp là 2,41 ha, tăng 1,53 ha so với năm 1970.

Việc dồn điền đổi thửa sẽ giúp giảm các đường ranh giới chia cắt, cắt giảm chi phí sản xuất, do sử dụng máy móc nông nghiệp quy mô lớn.

Từ đó, vừa giảm công sức, thời gian lao động, vừa có thể quản lý tốt công nghệ tưới tiêu, trồng trái vụ… Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sử dụng triệt để cộng nghệ tự động hóa trong việc gieo trồng, thu hoạch, phân loại…

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, thách thức lớn nhất của các hợp tác xã Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng là đất đai nông nghiệp thuộc quyền quản lý nhiều bộ ngành liên quan.

Trong khi đó, các hộ nông dân nhỏ lẻ không dễ dàng từ bỏ thói quen canh tác lâu đời. Mặt khác, nông dân không có nguồn tài chính để đầu tư cơ giới hóa và chuyển đổi phương pháp canh tác sau khi dồn điền đổi thửa.

Do đó, để phát triển các làng xã nông nghiệp nông thôn, các địa phương cần xây dựng cơ sở hạ tầng; tiến hành thu gom đất nông nghiệp giao cho các nông dân giỏi, ngoài ra, cần thành lập chuỗi giá trị thực phẩm có giá trị cao như chứng nhận an toàn, chất lượng GAP.

Đặc biệt, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, địa phương, hợp tác xã và bản thân các nông dân.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, giá trị cốt lõi của hợp tác xã nông nghiệp là tinh thần hợp tác để mang lại giá trị cộng đồng.

Bản thân hợp tác xã không chỉ mang lại cổ tức cho các thành viên mà sâu xa hơn, đó là bệ đỡ cho cả nền nông nghiệp, là cứu cánh cho cả nền nông nghiệp, cho người nông dân.

Các tổ chức hợp tác xã tại Đồng Tháp đang đi những bước đi đầu tiên, cụ thể là đảm nhiệm liên kết nông dân doanh nghiệp (thông qua các thương lái), cho nên cần phải học hỏi, kinh nghiệm, kế thừa các thành công của các nước đã có những bước phát triển về lĩnh vực này.

Từ những ý kiến của các chuyên gia, bí thư tỉnh yêu cầu các lãnh đạo hợp tác xã phải là người chủ động, là người mang kiến thức tiên tiến để vận hành, vạch hướng đi và tạo sự đồng thuận, kêu gọi sự chung sức, hợp tác của các của các nông dân tại địa phương.

Mặt khác, cũng cần thay đổi suy nghĩ mua bán sản phẩm thô, thay vào đó là tạo ra các chuỗi sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng kiến nghị thành lập câu lạc bộ lãnh đạo các hợp tác xã nòng cốt trên địa bàn để cùng nhau tương tác, gặp gỡ các chuyên gia, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, định hình chiến lược phát triển bền vững.

Mặt khác, Đồng Tháp cũng mong muốn các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện để học hỏi, tăng cường kết nối, hợp tác với địa phương trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục