Kinh nghiệm hạn chế tối đa lây lan dịch trong trường học và doanh nghiệp

12:35' - 27/08/2021
BNEWS Nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín PLOS Biology rút ra kết luận rằng qua phân tích các cách sắp xếp, hai nhóm luân phiên hàng tuần là giải pháp tốt nhất hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch.

Theo một nghiên cứu tại Pháp được công bố ngày 26/8, cách tốt nhất để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong các doanh nghiệp/các trường học khi có nhân viên/học sinh đến làm việc/học tập trực tiếp là sắp xếp 2 nhóm luân phiên.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Paris đã lập bản đồ các mạng lưới tiếp xúc trong thế giới thực bằng cách sử dụng dữ liệu từ một trường trung học phổ thông, một trường tiểu học và một doanh nghiệp ở Pháp.

Sau đó, họ sử dụng các mạng lưới này để mô phỏng việc virus SARS-CoV-2 lây lan từ một ca F0 ban đầu, thử nghiệm phương pháp làm việc từ xa từng phần nào sẽ có hiệu quả nhất trong việc hạn chế bùng phát dịch COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét các cách bố trí để toàn bộ nhân viên/học sinh sẽ luân phiên đến nơi làm việc/trường học hàng ngày hoặc hàng tuần cũng như cách chia thành hai nhóm luân phiên theo ngày hoặc theo tuần.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín PLOS Biology rút ra kết luận rằng qua phân tích các cách sắp xếp, hai nhóm luân phiên hàng tuần là giải pháp tốt nhất hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch.

Phương pháp hiệu quả thứ hai là hai nhóm luân phiên nhau hàng ngày. Trong khi đó, việc sắp xếp luân phiên toàn bộ hàng tuần hoặc hàng ngày được cho là kém hiệu quả nhất.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin về mối tương tác trong thế giới thực giữa các cá nhân và mô phỏng việc lây nhiễm dịch bệnh bằng cách sử dụng thông tin hiện có về cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tính đến thực tế rằng COVID-19 có thể lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, cũng như tính đến cả các sự kiện "siêu lây nhiễm" ngẫu nhiên trong những mô hình nghiên cứu của họ.

Đơn cử trong kịch bản cơ bản đó là học sinh và giáo viên một trường tiểu học học tập, giảng dạy bình thường, có 27% nguy cơ một ca mắc COVID-19 sẽ dẫn đến bùng phát dịch bệnh tại đây khi cứ 1 người lây nhiễm cho ít nhất 5 người khác.

Nhưng nguy cơ đó giảm xuống chỉ còn 12% nếu tổng số học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường được chia thành các nhóm luân phiên đến trường hàng tuần. Tỷ lệ rủi ro chỉ nhỉnh hơn một chút (12,3%) đối với các nhóm luân phiên hàng ngày.

Mô hình hai nhóm luân phiên tới trường hàng ngày cũng cho thấy hiệu quả lớn nhất giúp hạn chế một đợt bùng phát dịch cũng như số ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng những chiến lược này chỉ phát huy hiệu quả khi số ca mắc trong trường học/doanh nghiệp vẫn ở mức giới hạn. Cụ thể, nếu trung bình cứ 1 ca nhiễm bệnh lây cho 1,4 ca khác, thì "cả 4 chiến lược đều đạt yêu cầu và có thể kiểm soát được dịch bệnh”.

Trái lại, nếu con số trung bình lớn hơn 1,7 ca thì “không có chiến lược nào trong số này đủ để ngăn chặn dịch bùng phát, ngoại trừ việc ngừng tới trường/tới công ty toàn thời gian”.

Theo kế hoạch, tất cả các học sinh ở Pháp sẽ trở lại học tập tại trường vào tuần tới. Các quan chức cho biết có thể áp dụng trở lại mô hình lịch học và giảng dạy theo nhóm luân phiên hàng tuần ở một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc nếu các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng trở lại./.

>>Học sinh thủ đô Indonesia sẽ trở lại trường học từ ngày 30/8

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục