Kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu công nghiệp sinh thái

17:00' - 19/09/2018
BNEWS Khái niệm khu công nghiệp sinh thái được nhiều nước trên thế giới và khu vực triển khai với những cách tiếp cận mới.

"Khu công nghiệp sinh thái - xu thế toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam" là tên của hội thảo khoa học do Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng UBND thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 19/9.

Hội thảo tập trung làm rõ, chia sẻ những nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là những kinh nghiệm quốc tế về mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đây có thể coi là một trong những hướng đi mới, quan trọng để phát triển bền vững đất nước nói chung, từng khu công nghiệp, từng doanh nghiệp nói riêng và giải quyết triệt để vấn đề khan hiếm tài nguyên, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, khái niệm khu công nghiệp sinh thái được nhiều nước trên thế giới và khu vực triển khai với sự thay đổi quan trọng khi nhìn nhận hệ thống khu công nghiệp không phải là các thực thể riêng rẽ mà là một tổng thể các hệ thống liên quan giống như hệ thống sinh thái và loại trừ khái niệm "chất thải" trong sản xuất công nghiệp hướng đến phát thải bằng 0.

Tiếp cận mới này trong quản lý chất thải công nghiệp qua mô hình khu công nghiệp sinh thái đã mang lại kết quả tốt, được đánh giá là hướng tiếp cận quản lý chất thải công nghiệp hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường.

Đây là hướng tiếp cận khả thi trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, cần có các chính sách đồng bộ, từ quy hoạch đến các cơ chế hỗ trợ hạ tầng, tài chính, trong đó đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cơ quan quản lý để mô hình khu công nghiệp sinh thái có thể triển khai rộng và hiệu quả theo tinh thần Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp và Khu kinh tế.

Trong nước cũng đã có một số nghiên cứu và dự án thí điểm về mô hình khu công nghiệp sinh thái như: nghiên cứu về khả năng ứng dụng mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường tại các Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và Biên Hòa 2; dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn các yêu cầu của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, cần phải tiếp tục các hoạt động nghiên cứu đánh giá, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, các tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của mô hình này.

Bên cạnh đó, cũng cần phải hướng đến tiếp cận mới về "tuần hoàn chất thải" trong việc đầu tư thay đổi công nghệ xử lý, tái sinh và tuần hoàn chất thải. Các quy định và hướng dẫn liên quan đến coi chất thải cũng là "nguồn tài nguyên" đầu vào của nền kinh tế. Như vậy, sẽ đặt ra những yêu cầu mới đối với vai trò quản lý của các Ban quản lý khu công nghiệp, sự tham gia ý kiến sâu rộng của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Phạm Hồng Điệp chia sẻ, lợi ích phát triển khu công nghiệp sinh thái mang lại, đó là động lực phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, thu hút đầu tư, tạo việc làm mới trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; tạo điều kiện hợp tác và quan hệ chặt chẽ với cơ quan nhà nước trong thiết lập chính sách, luật thích hợp.

Theo ông Phạm Văn Mợi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đã thu hút được một số dự án của các Tập đoàn kinh tế lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông. Các dự án đã sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Phạm Văn Mợi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Hiện nay, các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, đã đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo các quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường, trong đó Khu công nghiệp Nomura là khu công nghiệp tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.

Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với thành phố Hải Phòng, với mục tiêu “Hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại” theo tinh thần Kết luận số 72 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, thành phố Hải Phòng đang hướng tới xây dựng các khu công nghiệp sinh thái như Khu công nghiệp Ngũ Phúc - Kiến Thụy (Deep C4) và dự kiến sẽ phát triển hoặc chuyển đổi các Khu công nghiệp Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng... thành khu công nghiệp sinh thái./.

>>>Không tổ chức bán vé thu tiền vào Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục