Hải Phòng cần sớm có những giải pháp đột phá về phát triển du lịch

13:28' - 09/09/2018
BNEWS Hiếm có nơi nào trong cả nước có vị trí đắc địa như Hải Phòng, hội đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không).

Lợi thế này không chỉ đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, một trong ba cực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng kinh tế động lực phía Bắc mà còn là nhịp cầu thông thương với các nước trong khu vực...

Cát Bà. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Từ nhiều năm trước, du lịch được Hải Phòng xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đã có nhiều bước tiến mới trong phát triển cơ sở vật chất, đa dạng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, ngành này hiện vẫn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế để du lịch Hải Phòng thực sự "cất cánh".

Mới đây, tại hội thảo về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, mỗi địa phương đều có những tài nguyên nổi trội mang tính đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch và Hải Phòng cũng vậy, có những tài nguyên du lịch chỉ Hải Phòng mới có.

Các tài nguyên của Hải Phòng trước hết phải nói đến là đảo Cát Bà, có những điểm đặc trưng riêng mà nơi khác không có. Khu dự trữ sinh quyển hội tụ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như: Rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động, tùng áng và là nơi sinh sống của 3.154 loài động vật và thực vật.

Trong đó, Cát Bà có tới 60 loài thực vật và 22 loài động vật quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Cát Bà, là loài linh trưởng đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Cát Bà còn được biết đến một vùng đất gắn liền với nền văn minh ngàn năm, điển hình cho cộng đồng dân cư miền biển đảo Bắc Bộ, nơi những người Việt cổ đầu tiên đi theo mép biển tìm kế sinh nhai và dần tập hợp, đoàn tụ lại qua các biến cố thiên tai và lịch sử để hình thành nên nền móng của cộng đồng dân cư Cát Bà ngày nay. Quần đảo Cát Bà còn là một vùng giàu có về khảo cổ, lịch sử với 77 điểm khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu.

"Tài nguyên" nổi trội thứ hai chỉ Hải Phòng mới có là Casino. Hiện, Đồ Sơn của Hải Phòng vẫn là địa chỉ duy nhất của cả nước có loại hình vui chơi có thưởng này. Trong nhiều năm trở lại đây, Hải Phòng trăn trở tìm hướng phát triển trên cơ sở phát huy giá trị riêng có này, từ khai thác thị trường để nâng cao hiệu quả Sân bay quốc tế Cát Bi, định hướng phát triển cho sản phẩm bổ trợ của du lịch Đồ Sơn thêm cung cấp dịch vụ mua sắm cao cấp. Nhưng cho đến nay, thương hiệu và mức độ khai thác thế mạnh Khu du lịch Đồ Sơn vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Tài nguyên nổi trội mang tính đặc trưng nữa của Hải Phòng là những giá trị văn hóa đặc sắc vùng cửa biển với văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cả nước không đâu có những địa danh lịch sử ghi dấu ấn như: Bến K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại; tháp Tường Long - ngọn tháp rồng vàng hạ thế, xây từ thời Lý Thánh Tông, là di tích khảo cổ học được xếp hạng cấp quốc gia và là quần thể kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - vịnh Hạ Long... Những dấu ấn này hiện vẫn là tiềm năng chưa được Hải Phòng phát huy giá trị.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và Phát triển bền vững, Hải Phòng có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch và Hải Phòng được xác định là điểm đến ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam với tư cách là một trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc.

Tuy nhiên, thành phố chưa đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành chính sách phát triển du lịch đặc thù mang tính đột phá, để Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm vùng với vai trò là một cực, đồng thời là điểm kết nối giữa Hà Nội và Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển "Tam giác vàng" du lịch; trở thành "Điểm đến du lịch không ngủ", "Điểm đến du lịch sinh thái biển đảo" đẳng cấp khu vực và quốc tế... Đây chính là một trong những "điểm nghẽn" làm cho phát triển du lịch Hải Phòng chưa tương xứng với vị thế và kỳ vọng.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, thành phố đã nhiều nỗ lực tổ chức các sự kiện du lịch, tiêu biểu là Lễ hội Hoa phượng đỏ nhằm tạo hình ảnh điểm đến du lịch Hải Phòng và quảng bá các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thêm vào đó, Hải Phòng thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch. Năng lực quản lý nhà nước về du lịch của Hải Phòng rất hạn chế, cho dù về mặt tổ chức, Sở Du lịch Hải Phòng đã được tái thành lập. Đây là "điểm nghẽn" ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện mục tiêu phát triển du lịch của thành phố Cảng.

Là một người dân Hải Phòng, ông Lưu Xuân Cải, Hội Cựu chiến binh thành phố Hải Phòng so sánh, 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Ninh vượt con số 7,5 triệu lượt khách thăm, tăng 26%, trong đó 2,4 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 12 nghìn tỷ đồng.

Quảng Ninh phấn đấu năm 2019 đạt 13 triệu lượt khách thăm, trong đó khách quốc tế đạt 6 triệu; đến 2020 đạt 15-16 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 7 triệu lượt.

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đạt 10 triệu lượt khách… Trong khi đó, Hải Phòng đạt lượng khách thăm là 4,5 triệu lượt trong 7 tháng đầu năm 2018, chưa tương xứng với yêu cầu, chưa đóng góp tương xứng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố...

Từ thực trạng trên, ngành Du lịch Hải Phòng cần sớm có những giải pháp đột phá về phát triển du lịch. Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Hải Phòng cần tập trung đầu tư, phát huy lợi thế tài nguyên du lịch nổi trội để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút du khách và phát triển thương hiệu "Du lịch Hải Phòng" hấp dẫn, có đẳng cấp cao; thực thi các chính sách đột phá, tháo gỡ các nút thắt để đẩy nhanh phát triển đồng bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; tăng cường ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 vào lĩnh vực du lịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương nhận định, để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng, đặc biệt là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng đến bền vững, Hải Phòng cần có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều điểm đến trong nước và quốc tế; đồng thời, phải có được sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị, thành phố Hải Phòng sớm nghiên cứu, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành các chính sách đặc thù phát triển du lịch mang tính đột phá, phù hợp với tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế xã hội của thành phố, với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong xu thế hội nhập.

Hiện thực hóa được các mục tiêu, giải pháp đột phá, khác biệt, kỳ vọng trong tương lai gần Hải Phòng sớm có mặt trong top các điểm du lịch hấp dẫn và top các thành phố du lịch có lượng khách du lịch lớn nhất khu vực. Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục