Kinh phí Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội là bao nhiêu?

18:00' - 05/11/2017
BNEWS Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 98/2017/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Thông tư này quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với Dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị buôn bán.
Cụ thể, đối với chi hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy trong trường hợp chi tổ chức triển khai thí điểm dạy nghề cho người nghiện ma túy; mức chi theo Thông tư số 152/2016/TT-BTC.
Chi thí điểm các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới; mô hình cai nghiện phục hồi phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, miền thì khung định mức kinh tế - kỹ thuật các mô hình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Từ căn cứ trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng mô hình thực hiện tại địa phương, tối đa 50 triệu đồng/mô hình/năm.

Đối với chi hỗ trợ sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho các cơ sở cai nghiện ma túy bị xuống cấp; cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện chuyển đổi theo Nghị quyết 98/NQ-CP.
Trường hợp cơ sở cai nghiện bắt buộc chuyển đổi hoàn toàn thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện thì hỗ trợ sửa chữa, cải tạo, mua sắm trang thiết bị ban đầu mức tối đa là 3 tỷ đồng/cơ sở. Cơ sở cai nghiện bắt buộc chuyển đổi thành cơ sở đa chức năng, mức tối đa 2 tỷ đồng/khu.
Riêng chi hỗ trợ điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy, mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 3 tỷ đồng/điểm tư vấn.
Về chi hỗ trợ hoạt động phòng, chống mại dâm, chi hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội tối đa 350 triệu đồng/mô hình/năm để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết.
Đối với mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới mức tối đa 250 triệu đồng/mô hình/năm.
Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, chi xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng tối đa 350 triệu đồng/cơ sở để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ, hỗ trợ chi phí hoạt động của mô hình trong thời gian thí điểm.
Trường hợp chi mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội thì mức hỗ trợ cụ thể theo dự án, tối đa 500 triệu đồng/cơ sở.
Thông tư cũng quy định mức chi đặc thù của các dự án khác. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục