Kinh phí phòng chống dịch có thuộc dự toán mua sắm thường xuyên?

08:01' - 30/01/2022
BNEWS Về nguồn vốn mua sắm thường xuyên, Điều 46 Luật Đấu thầu quy định về điều kiện áp dụng mua sắm thường xuyên, bao gồm: Sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên.

Ông Đ.V.S (Lai Châu) tham khảo Thông tư số 342/2016/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP thấy có nội dung, đơn vị sự nghiệp y tế được giao kinh phí phòng chống dịch là kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên.

Ông S hỏi, kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên được giao có phải là kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC không?

Có phải là kinh phí thuộc dự toán mua sắm thường xuyên theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 58/2016/TT-BTC hay không? Dự toán mua sắm thường xuyên là những khoản nào và được quy định tại văn bản nào?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Về nguồn vốn mua sắm thường xuyên, Điều 46 Luật Đấu thầu quy định về điều kiện áp dụng mua sắm thường xuyên, bao gồm: Sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm thường xuyên để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp quy định nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đã quy định cụ thể nguồn kinh phí mua sắm, tài sản, hàng hóa dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 58/2016/TT-BTC, bao gồm:

"a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);

b) Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong trường hợp thực hiện theo hình thức không hình thành dự án đầu tư;

c) Vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn khác do nhà nước quản lý (nếu có);

d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Vay nợ, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);

đ) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Nguồn Quỹ BHYT;

h) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định (nếu có)".

Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì dự toán của đơn vị sự nghiệp chi tiết theo 2 phần: Dự toán chi thường xuyên giao tự chủ, dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ.

Theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC, khi sử dụng các nguồn vốn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện mua sắm theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 58/2016/TT-BTC và các quy định có liên quan.

Đề nghị ông nghiên cứu thực hiện theo các quy định hiện hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục