Kinh tế 6 tháng: Chủ động các kịch bản để kiểm soát lạm phát

15:43' - 28/06/2019
BNEWS Giá cả thị trường trong nửa đầu năm biến động theo quy luật và kịch bản dự báo từ đầu năm.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2019 dù kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, nhưng với nội lực của nền kinh tế đất nước, cùng với những giải pháp kiềm chế lạm phát được triển khai quyết liệt, năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4% như Quốc hội đề ra.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết; trong đó, CPI tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng dần trở lại trong các tháng tiếp theo. 

Mặt bằng giá cả thị trường trong nửa đầu năm biến động theo quy luật và kịch bản dự báo từ đầu năm. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Theo Cục Quản lý giá, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng trong các tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG) tăng theo giá thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa) hay giá một số nhóm hàng tiêu dùng phục vụ Tết cũng tăng theo quy luật.

Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng đầu năm. Đó là giá lương thực giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm do tác động bởi dịch tả lợn châu Phi, giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm, giá dịch vụ y tế giảm 0,1% do điều chỉnh giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế tại một số địa phương theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những diễn biến trên đều đã được dự báo trước và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là việc chủ động trong dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá đã giúp các bộ, ngành kịp thời có biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp trong các thời điểm.

Nói thêm về giá cả một số mặt hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước theo hướng sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong những thời điểm giá xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp.

Trong tổng số 12 lần điều hành giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay, có 4 lần điều chỉnh giảm giá; 4 lần tăng giá và 4 lần giữ ổn định giá.

Hiện nay, diễn biến giá xăng dầu thế giới được theo dõi sát, cơ bản vẫn nằm trong dự báo từ đầu năm và theo các kịch bản đã đề ra của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Gía xăng dầu thành phẩm bình quân tháng 6 đang có dấu hiệu hạ nhiệt và dự kiến sẽ có tác động tích cực tới thị trường trong nước.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán kịch bản chi tiết, lựa chọn mức độ và thời điểm điều chỉnh, đồng bộ với giá than bán cho điện và giá khí trong bao tiêu.

Theo dự báo Ban Chỉ đạo điều hành giá, những tháng cuối năm 2019, các mặt hàng thiết yếu; trong đó có xăng dầu tiếp tục biến động khó lường. Cùng đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường... nên việc điều hành giá gặp nhiều thách thức.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo CPI bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,3 - 3,9%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền nhận định, việc lùi điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ sang năm 2019 đã gây sức ép cho điều hành lạm phát. Trong kiểm soát chỉ số giá, ẩn số lớn nhất vẫn là giá xăng dầu thế giới. Theo dự báo, giá xăng dầu tăng trong năm 2019, nên trong điều hành cơ quan quản lý cần chủ động các kịch bản để kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trong năm nay phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố chi phí đẩy của xăng dầu, là loại hàng hoá hết sức quan trọng của xã hội, do đó phải chủ động nguồn cung xăng dầu để giảm những tác động của giá cả thế giới khi mặt hàng này tăng cao.

Theo TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, năm 2019 để giữ mức lạm phát dưới 4% là một thách thức đối với cơ quan quản lý, khi có sự thay đổi về giá của nhiều mặt hàng như giá điện tăng; giá nhiên liệu tăng theo giá thế giới… 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát. Theo đó, CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản cũng đạt thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào; kinh tế vĩ mô ổn định...

“Do đó, nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019”, TS. Lê Quốc Phương nói.

Cục Quản lý giá cũng cho rằng để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, CPI bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,3 - 3,9% trong quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá nhất là thời điểm các dịp lễ, Tết.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung cầu như: thịt lợn, lương thực, xăng dầu.

Bộ cũng theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội để có các biện pháp điều hành tổng thể phù hợp.

Đối với việc quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục..., Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Đặc biệt, đại diện Cục Quản lý giá sẽ tăng cường tuyên truyền và theo dõi sát thông tin trên mạng xã hội để hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Mặt khác, chủ động tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng có tính chất nhạy cảm đến người dân; đẩy mạnh thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục