Kinh tế 6 tháng: Ngành nông nghiệp chuyển mạnh sang sinh thái, đa giá trị

16:17' - 03/07/2023
BNEWS Trước sức ép tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, xuất khẩu còn khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm 2023 tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với GDP đạt 3,07%. Trước sức ép tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, xuất khẩu còn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm và có dấu hiệu suy thoái, ngành nông nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất hầu hết các cây trồng chủ lực tăng khá đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn.

Không chỉ vậy, những giải pháp cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và vật tư đầu vào cũng được địa phương đẩy mạnh phổ biến, áp dụng. Do đó, dù diện tích lúa giảm, nhưng năng suất tăng nên sản lượng lúa vụ Đông Xuân vẫn cao hơn so với năm 2022 (gần 20 triệu tấn, tăng 1,2%).

Đặc biệt, đã có địa phương chủ động giảm 1 vụ lúa, như tỉnh Kiên Giang 2/3 diện tích lúa chỉ sản xuất 2 vụ/năm, để không làm đất bị suy kiệt, đảm bảo năng suất, chất lượng và tạo môi trường sinh thái bền vững.

Nhiều diện tích cây ăn quả được thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.

Chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi tăng trưởng tốt là động lực đóng góp chung vào tăng trưởng của ngành. Theo ông Nguyễn Văn Việt, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhưng giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và thu nhập của người chăn nuôi. 

Trong tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển (trừ đàn trâu giảm).

Trong bối cảnh đó, chăn nuôi ngày càng có nhiều mô hình sinh thái, xanh, hữu có có hiệu quả kinh tế được phát triển. Điển mô hình cho đàn gà ăn, uống thức ăn được chế biến từ cây sâm (Tiên Yên - Bắc Giang); hay nuôi lợn bằng các dược liệu quý được áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa - Bắc Giang)… nên giá trị của vật nuôi này mang lại lợi nhuận rất cao. Cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.

Với thủy sản, ngành hàng này đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; nhưng tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành đã có nhiều giải pháp cùng địa phương hướng dẫn nông dân nuôi thưa, nuôi với mật độ phù hợp, quan trọng là kiểm soát môi trường để tăng tính hiệu quả trong sản xuất. 

“Thời gian vừa qua, cường độ nuôi liên tục, tạo áp lực nên sức tải môi trường, làm cho môi trường xấu đi. Đôi khi dịch bệnh phát sinh do môi trường lại cứ loay hoay đi tìm giải pháp kỹ thuật”, ông Trần Đình Luân nói.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm, ngoài bám sát thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. 

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu lâm sản và thủy sản có sự giảm sâu, Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Qua hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước  nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho ngành lâm, thủy sản.

Khó khăn từ thị trường tiêu thụ, cùng thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất… nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt từ 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, để có tăng trưởng ngành thì phải sản xuất. Theo đó, phải đẩy mạnh chăm sóc cây trồng vật nuôi, phát hiện dịch bệnh kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cuối năm.

Ngành tiếp tục thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành, ngành nông nghiệp đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu ngày càng tốt hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa; sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm... ở Đồng bằng sông Cửu Long để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận.

Riêng bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giảm so cùng kỳ với năm ngoái (11,1%), đạt 24,59 tỷ USD, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, phân tích về từng ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng. Chẳng hạn với rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%; gạo 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%; hạt điều 1,6 tỷ USD, tăng 7,7%... 

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả đã đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục giữ được nhịp độ thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt khâu giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, trong tương lai xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt con số 10 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Về thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, Trung Quốc vươn lên giữ vị trí số 1 trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm. Từ bức tranh thị trường, bức tranh ngành hàng, ngành nông nghiệp sẽ điều hành sản xuất, xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng cũng như xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục