Kinh tế 6 tháng: Tiền Giang đạt mức tăng trưởng khá

14:45' - 28/06/2023
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.379 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước

Sáng ngày 28/6, Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang Trần Thị Mỹ Hạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.379 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước. Cả ba khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng khá, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023.

 
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước nhờ trồng trọt có nhiều thuận lợi, công tác phòng chống hạn mặn được chủ động triển khai sớm, độ mặn thấp và ít ảnh hưởng đến sản xuất, thiên tai giảm nhẹ.

Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 3,26% so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn thời hậu COVID-19; đồng thời, có thêm nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, các cấp và các ngành triển khai nhanh các công trình từ nguồn vốn đầu tư công,…

Khu vực dịch vụ tăng 6,04% so với cùng kỳ bởi hầu hết các ngành trong khu vực này đều tích cực phục hồi sau đại dịch, đưa các hoạt động sản xuất – kinh doanh trở lại bình thường và vào quỹ đạo phát triển mới.

Từ thành quả trong 6 tháng đầu năm, nửa cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang Trần Thị Mỹ Hạnh kiến nghị lãnh đạo tỉnh quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tập trung các giải pháp chuẩn bị tốt điều kiện sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024, chú trọng đảm bảo về lịch sản xuất, cơ cấu giống lúa tránh thiếu nước vào cuối vụ; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch, các giải pháp nhằm mở rông, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu…

Mặt khác, tỉnh cần đẩy nhanh hơn nữa các công trình đang thi công, kịp thời nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh quyết toán các công trình hoàn thành kịp thời. Các địa phương và ngành có công trình đang xây dựng tập trung theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị hồ sơ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ và triển khai thi công gắn với thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo qui định.

Cùng với đó, đia phương cần chú trọng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên các mặt như: môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng Đề án hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh, phát triển hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục