Kinh tế 9 tháng: Thăng trầm thị trường chứng khoán

13:34' - 29/09/2022
BNEWS VN-Index giảm hơn 23,9% so với đầu năm, tương đương mức giảm của các chỉ số chứng khoán Âu-Mỹ. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 28/9), VN-Index giảm 10,6% xuống mức thấp nhất trong vòng gần 20 tháng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 3 quý năm 2022 với nhiều thăng trầm. Chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử hồi đầu năm, nhưng sau đó giảm sâu cùng với thanh khoản ở mức rất thấp. Các điểm nhấn đáng chú ý, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến biến động của chỉ số từ đầu năm đến nay là câu chuyện thanh lọc, xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, yếu tố lãi suất tăng đã và đang tạo ra lực cản lớn với thị trường.

*Giai đoạn “đãi cát tìm vàng”

Tiếp nối đà tăng từ năm 2021, VN-Index liên tiếp lập đỉnh lịch sử trong những phiên đầu năm 2022 và ở mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán vào phiên 6/1, đạt 1.528 điểm.

Tuy nhiên, sau đó thị trường gặp khó và giảm mạnh. Trong quý II/2022, VN-Index sụt giảm hơn 20% từ 1,492.15 điểm về còn 1,197.6 điểm. Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh khi giá trị giao dịch bình quân quý II chỉ đạt hơn 18,6 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 36% so với quý liền trước và giảm 23% so với cùng kỳ.

Đến quý III, các chỉ số diễn biến “lình xình”, đặc biệt trước động thái tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thị trường đã có những phiên giảm rất mạnh.

VN-Index hiện đang thấp hơn 23,9% so với đầu năm, tương đương với mức giảm của các chỉ số chứng khoán Âu - Mỹ. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 28/9), VN-Index đã mất 10,6%, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 20 tháng (phiên 9/2/2021, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.114,93 điểm) và khối ngoại đã bán ròng hơn 2.900 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và khó có thể đạt được như kỳ vọng của những dự báo tích cực trước đó. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền vào chứng khoán vốn đã ảm đạm thời gian gần đây.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE chỉ đạt hơn 11.900 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước. Đây là mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ sau giai đoạn thị trường xuống đáy hồi tháng 7.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết dù không bi quan song chưa thể chủ quan với triển vọng phục hồi kinh tế, đặc biệt từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cùng đó nền kinh tế Trung Quốc cũng chật vật tăng trưởng bởi chính sách “Zero-COVID”, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang trở nên kém sắc.

Với độ mở kinh tế cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như chính sách tiền tệ trong thời gian tới vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nhất định với những sự kiện trên. Đây có thể sẽ là những rào cản lớn với khả năng hồi phục của thị trường, VDSC nhận định.

Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết vẫn giữ quan điểm thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn, khi nhiều yếu tố rủi ro đang hiện hữu.

Dù vậy, KBSV kỳ vọng thị trường sau đó sẽ tìm lại được điểm cân bằng và hồi phục trở lại khi các rủi ro liên quan đến địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế Mỹ hay những bất ổn tại Liên minh châu Âu (EU) đã được phản ánh đáng kể và phần nào hạ nhiệt, cùng với một số yếu tố hỗ trợ trong nước đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng ngoại biên; việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công.

KBSV cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn danh mục trong những tháng cuối năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành có tác động ngược chiều với xu hướng của VN-Index do kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị giảm.

Bởi lẽ, trong bối cảnh lãi suất tăng, lợi nhuận có thể giảm khi chi phí đi vay tăng cũng như nhu cầu đi vay để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bị hạn chế hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn khi các mức lãi suất cho vay tăng và từ đó làm giảm doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.

Về nhóm ngành hưởng lợi bởi quyết định tăng lãi suất điều hành, BSC chỉ ra ba nhóm ngành gồm: Nhóm ngành có giá đã điều chỉnh đủ sâu, thường có P/E  (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thấp và sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất bằng những nhóm cổ phiếu chưa điều chỉnh.

Bên cạnh đó, nhóm các doanh nghiệp vay nợ ít, nhờ đó sẽ tiết kiệm được chi phí lãi vay trong giai đoạn lãi suất cao. Cuối cùng là những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, từ đó sẽ hưởng lợi từ việc đem lượng tiền mặt dư thừa đi gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng mức lãi cao.

*Xử nghiêm vi phạm, minh bạch thị trường

Nhìn lại thị trường 9 tháng qua có thể thấy, chưa bao giờ câu chuyện xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán lại mạnh mẽ như năm 2022. Hàng loạt sai phạm của các cá nhân, doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán bị phanh phui, đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm.

Mới đây, vụ nâng khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, rồi niêm yết cổ phiếu bán chiếm đoạt tới hơn 6.412 tỷ đồng của nhà đầu tư xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros - FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) bị phanh phui, khiến giới đầu tư băn khoăn về công tác quản lý, kiểm duyệt, thanh tra giám sát, hậu kiểm của cơ quan chức năng.

Trước đó, cơ quan chức năng tiến hành nhiều vụ khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết với cáo buộc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán như: Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam…

Thực tế, sau hàng loạt những sai phạm của doanh nghiệp bị phát hiện, các ông chủ công ty bị khởi tố thì một loạt quan chức Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng bị kỷ luật, cách chức... vì những vi phạm trong điều hành, giám sát thị trường.

Có thể thấy, việc Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có những quyết tâm thanh lọc, minh bạch và loại trừ những “ung nhọt” bấy lâu nay trên thị trường chứng khoán là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong năm 2022.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Những sai phạm của từng cá nhân đang được làm rõ giúp tăng niềm tin cho thị trường, đồng thời qua đó các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ vấn đề, kẽ hở để có những cải tiến, hoàn thiện khung khổ pháp lý, giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Tại hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” tổ chức ngành 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, quan điểm nhất quán của Chính phủ là khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định, lợi ích nhóm, trục lợi bất hợp pháp và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư; thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục