Kinh tế Anh “mất đà” sau giai đoạn tăng trưởng ngắn

18:14' - 24/06/2023
BNEWS Tăng trưởng khu vực tư nhân của Vương quốc Anh đã chậm lại, xuống mức thấp nhất trong ba tháng, do lãi suất tăng cao và lạm phát cao liên tục.

Dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng khu vực tư nhân của Vương quốc Anh đã chậm lại, xuống mức thấp nhất trong ba tháng, do lãi suất tăng cao và lạm phát cao liên tục, bắt nguồn từ giá lương thực leo thang, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này.

Số liệu trên được đưa ra giữa bối cảnh Chính phủ Anh tuyên bố hỗ trợ cho các chủ nhà ở đang phải đi vay khi lãi suất thế chấp tăng. Các số liệu mới này càng làm nổi bật những khó khăn kinh tế của Anh, gây thêm áp lực lên công tác điều hành nền kinh tế của các nhà lãnh đạo nước này.

 

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global/CIPS tại Anh đã giảm xuống mức 52,8 (điểm) trong tháng 6/2023, từ mức tương ứng 54 trong tháng 5.

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Số liệu PMI của tháng 6/2023 chỉ ra rằng nền kinh tế Anh đã mất đà sau một đợt tăng trưởng ngắn vào mùa Xuân và có vẻ sẽ suy yếu hơn nữa trong những tháng tới. Đáng chú ý nhất là chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ, vốn là động lực tăng trưởng cốt lõi vào mùa Xuân vừa qua, hiện đang có dấu hiệu chững lại".

Ông Williamson nói thêm: “Thực tế là lãi suất cao hơn, chi phí sinh hoạt tăng lên và sự u ám về triển vọng kinh tế đã bắt đầu và đang lấn át việc thúc đẩy chi tiêu trong thời gian ngắn".

Dữ liệu chính thức trong tuần này cho thấy, lạm phát của Anh trong tháng 5/2023 ở mức 8,7%, không thay đổi so với tháng trước đó, khiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa phải tăng lãi suất cơ bản mạnh hơn dự kiến vào cuộc họp ngày 22/5. Mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 15 năm là 5%, là mức tăng lần thứ 13 liên tiếp của ngân hàng này.

Các nhà kinh tế đang dự đoán lãi suất của BoE có thể đạt 6% trong năm nay trong bối cảnh Vương quốc Anh có thể “nối gót” Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Trước đó, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), nợ ròng của lĩnh vực công tại Anh vượt mức 100% GDP trong tháng 5/2023, khi các khoản vay vượt dự kiến. Nợ ròng của lĩnh vực công, không bao gồm nợ của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, ở mức 2.567 tỷ bảng (3.280 tỷ USD), tương đương 100,1% GDP.

Đây là lần đầu tiên nợ ròng của lĩnh vực công vượt mức 100% GDP kể từ năm 1961, dù đã tạm thời được ghi nhận là vượt mức này trong thời gian bùng phát dịch, trước khi được điều chỉnh giảm sau đó.  ONS cho biết, các khoản vay của chính phủ trong tháng 5 ở mức 20,045 tỷ bảng. Theo một khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế nhận định nợ ròng của lĩnh vực công ở mức 19,5 tỷ bảng.

Trong khi đó, Liên đoàn công nghiệp Anh Make UK đã điều chỉnh nâng triển vọng cho năm 2023 nhờ nhu cầu về máy bay và đồ điện tử tăng mạnh, tuy nhiên liên đoàn này vẫn dự báo sản lượng sẽ giảm trong cả năm. Make UK dự báo sản lượng công nghiệp sẽ giảm 0,3% trong năm nay so với mức sụt giảm 3,3% đưa ra ba tháng trước đó, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng 0,8% trong năm 2024. James Brougham, nhà kinh tế cấp cao của Make UK, cho hay các nhà sản xuất đang nhìn thấy tình hình dần được cải thiện.

Triển vọng trong lĩnh vực sản xuất mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chậm hơn so với bức tranh chung của nền kinh tế Anh, vốn đã tránh được một cuộc suy thoái mà hầu hết các nhà kinh tế dự báo có thể xảy ra. Make UK dự báo nền kinh tế tăng trưởng 0,4% trong năm nay và 1,3% vào năm 2024.

Các nhà sản xuất báo lượng đơn đặt hàng tăng khiêm tốn và lên kế hoạch tăng cường tuyển dụng rõ rệt. Lĩnh vực hàng không đã được thúc đẩy nhờ việc nối lại các đơn đặt hàng máy bay và du lịch sau đại dịch COVID-19, trong khi nhu cầu về thiết bị điện tử phần nào phản ánh mong muốn của các doanh nghiệp nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động.

Richard Austin, người đứng đầu bộ phận sản xuất tại đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán BDO, cho biết sức ép chuỗi cung ứng vẫn là một vấn đề đối với các công ty quy mô trung bình. Ông Austin cho biết các công ty này đang phải đối mặt với sự gián đoạn liên tục và chi phí gia tăng trong và ngoài nước, trong đó nhiều người lựa chọn hoạt động trong nước nhưng gặp phải những rào cản lớn khi thực hiện điều đó.

Những khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu là một yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng ban đầu của lạm phát ở Anh trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine (U-crai-na), song nhiều nhà kinh tế đã đánh giá những điều này đang giảm dần.

Số liệu khác cũng được công bố vào ngày 23/6 cho thấy cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Anh đã chậm lại trong tháng 5/2023 do giá thực phẩm tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng. ONS cho biết, tổng doanh số bán lẻ của Anh trong tháng Năm vừa qua chỉ tăng 0,3%, sau khi tăng 0,5% trong tháng 4/2023.

ONS cho biết thêm, doanh số bán hàng của các cửa hàng thực phẩm đã giảm 0,5% trong tháng 5/2023, khi các nhà bán lẻ cho biết giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt tăng tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ.

ONS lưu ý rằng doanh số bán hàng tổng thể tăng nhờ nhiên liệu rẻ hơn và nhu cầu đối với quần áo mùa Hè và vật dụng dành cho các hoạt động ngoài trời tăng cao hơn. Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát giá lương thực của Anh đã gần đạt mức cao kỷ lục 18,4% trong tháng 5/2023.

Thị trường nhà ở tại Anh cũng đang được chú trọng trong giai đoạn này. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 23/6 đã đồng ý với các ngân hàng cho vay thế chấp lớn của Anh về các biện pháp hỗ trợ đối với những khách hàng đang gặp khó khăn, bao gồm cả những người đang nợ. Các biện pháp này bao gồm khoảng thời gian ân hạn tối thiểu 12 tháng trước khi thu hồi nhà do không trả được nợ.

Hàng triệu người Anh đang có khoản vay mua nhà bị ảnh hưởng đặc biệt bởi việc tăng lãi suất của BoE, khiến lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng thương mại tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục