Kinh tế Campuchia điêu đứng vì làn sóng COVID-19 thứ ba

07:54' - 15/05/2021
BNEWS Làn sóng thứ ba lần này bất ngờ xảy ra với “sự cố cộng đồng ngày 20/2/2021” đang khiến tình hình kinh tế - xã hội Campuchia điêu đứng.

Sau hai đợt dịch COVID-19 hoành hành vào đầu và cuối năm ngoái với khoảng 500 ca mắc bệnh và không có trường hợp tử vong, Campuchia được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác phòng chống dịch và là một trong những quốc gia an toàn trên thế giới.

Tuy nhiên, làn sóng thứ ba lần này bất ngờ xảy ra với “sự cố cộng đồng ngày 20/2/2021” đang khiến tình hình kinh tế - xã hội Campuchia điêu đứng.

*Sự cố và đợt bùng dịch ngoài tầm kiểm soát

Trong bối cảnh kinh tế Campuchia bước vào năm 2021 với nhiều hy vọng phục hồi sau năm 2020 tăng trưởng khoảng âm 3%, thì “sự cố cộng đồng ngày 20/2” đã “giáng” cho kinh tế Campuchia một đòn nặng nề.

Sự kiện gây bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba tại “xứ chùa Tháp” diễn ra từ ngày 20/2/2021, bắt đầu từ vụ việc nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha (thủ đô Phnom Penh) và đi lại nhiều nơi trong thành phố, làm lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Hơn một tháng rưỡi loay hoay giải quyết sự cố ngày 20/2 không thành công, chính quyền Campuchia ngày 1/4 quyết định áp lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal). Đến ngày 15/4, lần đầu tiên kể từ đầu mùa dịch, Phnom Penh và Takhmao chính thức bị áp đặt phong tỏa kéo dài ba tuần.

Các dịch vụ không thiết yếu tạm ngừng hoạt động, chỉ có các cửa hàng nhu yếu phẩm, siêu thị được phép hoạt động và nhà hàng, quán ăn chỉ được bán đồ mang đi. Thời gian này thực sự khó khăn đối với người dân nghèo, công nhân và những người làm ăn kinh doanh tại Campuchia.

Chủ một nhà hàng Việt Nam tại Phnom Penh cho biết trong thời gian phong tỏa, doanh thu của nhà hàng giảm 70% và họ phải chuyển sang bán hàng trực tuyến để có thể duy trì hoạt động. Nhiều quán ăn khác đóng cửa cả tháng vì không có khách.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thậm chí thừa nhận “Campuchia đang bên bờ vực chết chóc" khi liên tục có các ca tử vong vì COVID-19.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi có gần 2.000 công nhân thuộc 206 nhà máy đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành may mặc, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Campuchia.

Tại “Khu vực Đỏ” thuộc Phnom Penh – nơi có rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao và đến nay vẫn bị siết chặt phong tỏa và cấm hoàn toàn đi lại, người dân nghèo đã biểu tình đòi cung cấp thực phẩm và giảm tiền thuê nhà.

Gần ba tháng đã trôi qua kể từ “sự cố 20/2”, các biện pháp giới nghiêm, phong tỏa, đóng cửa các khu du lịch, cấm đi lại giữa các tỉnh vẫn chưa làm dịch COVID-19 tại Campuchia dịu bớt. Suốt trong thời gian phong tỏa kéo dài ba tuần từ 15/4-5/5, số ca mắc COVID-19 do lây nhiễm cộng đồng tăng liên tục ba chữ số và ngày cao nhất có gần 1.000 ca mắc mới.

Những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng giảm, song vẫn ở mức vài trăm ca mỗi ngày, và tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu mùa dịch đến nay đã vượt 20.000 ca, tăng trên 19.500 ca so với thời điểm trước khi bùng phát “làn sóng” COVID thứ ba.

* Thắp lên những hy vọng cho tương lai

Trong những ngày u ám tại Campuchia, vẫn có những hy vọng được thắp sáng. Đó là ngay từ lúc bùng dịch lần thứ ba, Campuchia đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.

Từ ngày 10/2 đến 11/5/2021, theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, trên 1,8 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tương đương hơn 18% dân số. Tiến độ này đưa Campuchia lên hàng thứ hai trong khối ASEAN về số người được tiêm chủng.

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được đẩy nhanh trong những ngày đầu tháng Năm, đặc biệt Campuchia tập trung tiêm phòng cho người dân sống ở “Khu vực Đỏ”.

Campuchia cũng đã công bố kế hoạch chi tiết và nhiều tham vọng về chiến dịch tiêm chủng quốc gia, nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, qua đó nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Cùng lúc với chiến dịch tiêm phòng đang được đẩy nhanh, Bộ Du lịch Campuchia đã trình đề nghị lên Thủ tướng Hun Sen xin phép trong quý IV/2021 sẽ mở cửa cho khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến tham quan tỉnh Siem Reap với kỳ quan Angkor nổi tiếng mà không phải cách ly.

Trong bản đánh giá sơ bộ của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cơ quan này dự báo kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021, đạt mức 4%, nhờ Chính phủ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ chính sách tài khóa.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế châu Á công bố cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 4% năm 2021 và 5,5% năm 2022.

Trong ngày cuối cùng phong tỏa Phnom Penh 5/5, Quốc vụ khanh Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia Heng Sour cho biết, ít nhất 95 nhà máy, xí nghiệp sẽ sản xuất trở lại một tuần sau khi chính quyền chia Phnom Penh và Takhmao thành ba khu vực chống dịch gồm Đỏ (rủi ro cao), Vàng đậm (rủi ro trung bình), Vàng (ít rủi ro); 15.000 công nhân (khoảng 50%) sẽ trở lại làm việc.

Đây là tín hiệu tốt đối với ngành sản xuất dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Trong quý I/2021, xuất khẩu may mặc của Campuchia (bao gồm quần áo, giày dép và đồ du lịch) đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020 xuống 2,4 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục