Kinh tế chia sẻ: Nhiều dư địa phát triển

09:32' - 17/09/2017
BNEWS Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ có dư địa lớn để phát triển.
Hãng cung cấp dịch vụ taxi giá rẻ toàn cầu Uber. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hiện tượng kinh tế - xã hội mới xuất hiện; trong đó có thể kể đến thị trường vận chuyển với sự ra đời của các công nghệ như Uber/Grab.

Là một loại hình của kinh tế chia sẻ, dịch vụ này đã làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội. Tuy nhiên, với sự mới mẻ, kinh tế chia sẻ đang từng bước định hình và cần hơn nữa sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách để có chỗ đứng bình đẳng trong nền kinh tế.

Kết nối các nhu cầu

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) cùng nhu cầu của cá nhân (đi lại, giúp việc, giao hàng…), bằng vài thao tác đơn giản, hai đối tượng có nhu cầu cung cấp dịch vụ và nhận dịch vụ sẽ “gặp” được nhau thông qua ứng dụng phần mềm công nghệ.

Theo ông Nguyễn Phan Anh, Giảng viên trường Đại học Thương mại, kinh tế chia sẻ là mô hình tổ chức kinh doanh trên nền tảng công nghệ và chia sẻ để tối ưu hóa nguồn lực xã hội.

Về nguyên lý, mô hình nền kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh dựa trên yếu tố công nghệ (ứng dụng phần mềm, định vị, thanh toán, thiết bị phần cứng, thiết bị điện thoại, công nghệ mạng Internet không dây…) kết hợp với các tài nguyên có sẵn (xe hơi, xe máy, nhà cửa, đồ dùng…) và hình thành nên phương thức kinh doanh mang tính “chia sẻ”.

Mỗi bên tham gia vào mô hình này đều có quyền lợi ngang nhau và ngang hàng như nhau. Nhà cung cấp phần mềm trong mô hình kinh tế chia sẻ chỉ là người trung gian, giúp các bên mua/bán hoặc cho thuê tìm kiếm đến nhau.

Tại Việt Nam, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” mới chỉ thịnh hành từ 5-6 năm nay kể từ khi các ứng dụng “chia sẻ” lớn trên thế giới như Uber, Grab, Airbnb khuynh đảo thị trường và vào tới Việt Nam.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam cũng đã có những ứng dụng tương tự. Đồng thời, các nhà cung cấp phần mềm công nghệ cũng phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, đi vào thị trường ngách để đáp ứng những nhu cầu kinh doanh mang tính thời cuộc hội nhập và phát triển những nhu cầu mới của thị trường nội địa.

Ngoài dịch vụ vận chuyển Uber, Grab (taxi công nghệ), các dịch vụ tìm người giúp việc, giao hàng dựa trên nền tảng công nghệ đã xuất hiện và nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Viecnha.vn do Công ty FPT Telecom phát triển, là nền tảng đầu tiên trong lĩnh vực kết nối các cá nhân, hộ gia đình tìm kiếm dịch vụ việc nhà với chất lượng đảm bảo. Ngoài website, dịch vụ còn được mở rộng tương tác dịch vụ thông qua ứng dụng trên thiết bị điện thoại di động.

Hệ thống này cung cấp nhiều dịch vụ như: giúp việc (dọn nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc em bé, các công việc khác liên quan đến giúp việc gia đình theo yêu cầu của khách hàng) hay sửa chữa các thiết bị tại nhà (máy tính, điện lạnh, điện gia dụng, lấy mẫu xét nghiệm sức khỏe tại nhà, cứu hộ ôtô, thi công điện nước…). Đây được xem là giải pháp sử dụng dịch vụ giúp việc theo giờ phù hợp với nhu cầu của khách hàng ở các đô thị lớn.

Hay mới đây, Công ty TNHH Grab taxi đã ứng dụng dịch vụ Grab Express giao hàng. Chỉ với 2 thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh khách hàng nhập địa chỉ gửi hàng và nhận hàng, giá cước chính xác sẽ hiển thị ngay khi chọn xong hai địa chỉ.

Cũng giống dịch vụ vận tải, người sử dụng dịch vụ này sẽ biết rõ thông tin tài xế giao hàng, có hoá đơn giao nhận, theo dõi món hàng theo thời gian thực trên bản đồ để nắm được gần như chính xác thời gian món hàng sẽ được nhận.

Nhìn nhận về kinh tế chia sẻ, ông Nguyễn Phan Anh cho rằng, mặc dù đón nhận được sự ủng hộ của khách hàng, tuy nhiên, thị trường Việt Nam chưa thật sự lớn để mô hình này phát triển. Hơn nữa, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh cũng phải dè chừng sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ quốc tế có khả năng tài chính rất mạnh và được quản trị bởi một đội ngũ chuyên gia và chuyên nghiệp.

Các hãng này muốn thu hút người dùng tại một thị trường (ví dụ như Việt Nam) họ sẵn sàng chi hàng triệu đô la Mỹ để phát triển, thu hút, khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ… trong khi rất ít doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là không có doanh nghiệp có được tiềm lực này.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể thuê hoặc tự viết ra một ứng dụng như Uber thậm chí có thể tốt hơn Uber về mặt công nghệ hoặc tùy biến riêng cho thị trường nội địa, nhưng không doanh nghiệp Việt Nam nào có khả năng tài chính mạnh như Uber. Bởi mô hình công nghệ, mô hình thương mại điện tử đòi hỏi khả năng tài chính lớn và bền bỉ, dài hạn”, ông Nguyễn Phan Anh nói.

Ngoài ra, về mặt cơ chế, chính sách cho loại hình này họat động và phát triển cũng chưa rõ ràng. Hiện Việt Nam mới chỉ áp dụng thí điểm Đề án ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber/Grab). Các hình thức khác như giúp việc, giao nhận hàng mới chỉ hoạt động nhỏ lẻ chưa được phổ biển và chưa có sự đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Dư địa phát triển

Tuy nhiên, không phải thị trường Việt Nam không có nhiều “đất” cho kinh tế chia sẻ. Trước hết, đã có rất nhiều mô hình “chia sẻ” nổi tiếng trên thế giới đã và được áp dụng vào đời sống. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chỉ cần nghiên cứu sâu mô hình đó từ lý thuyết đến thực hành, từ công nghệ đến chiến lược.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, để thấy tiềm năng phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, có thể nhìn vào các chỉ số phát triển của thương mại điện tử và viễn thông.

Đó là tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang đạt từ 20-25% một năm, ước tính đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD/năm. 45% người tiêu dùng đã từng tham gia mua hàng trực tuyến và 48% trong số đó đã sử dụng smartphone để đặt hàng. 52% dân số đã sử dụng Internet và 37% sử dụng smartphone.

Bên cạnh đó, nhờ sự phát triển của Internet và công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ sản xuất các thiết bị phần cứng và điện thoại di động thông minh đã giúp cho việc phát triển thị trường của các mô hình này rất nhanh chóng và dễ dàng.

Hơn nữa, với lợi thế có nhiều sự lựa chọn hơn khi sử dụng dịch vụ, chất lượng tốt, an toàn, giá rẻ hơn so với dịch vụ truyền thống, kinh tế chia sẻ đang ngày càng thu hút lượng người sử dụng. Chỉ kể riêng taxi công nghệ, từ con số 0, đến nay tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã có khoảng 22.000 xe, cao gấp gần 2 lần đầu xe taxi truyền thống vốn phải mất nhiều năm gây dựng.

Các yếu tố trên cho thấy tiềm năng của thị trường kinh tế chia sẻ tại Việt Nam sẽ rất lớn khi các cá nhân và người tiêu dùng đang có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với mô hình này.

Đâu là triển vọng

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà đặc trưng là việc ứng dụng rộng khắp các công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT), những công nghệ này là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ vốn trước đây bị hạn chế nhiều do năng lực của hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được và người tiêu dùng thiếu công cụ, nhận thức để tham gia.

Theo bà Lại Việt Anh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội mà Việt Nam cần phải nắm bắt, đưa ra giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế để bắt kịp xu thế quốc tế. Đồng thời, tạo ra sự thay đổi về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sáng tạo, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ số và Internet.

Tuy nhiên, muốn làm được việc đó, trước hết phải có sự thay đổi về tư duy đối với lĩnh vực công nghệ số. Ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các hệ thống điều kiện kinh doanh hiện nay đang cản trở tư duy đổi mới sáng tạo với loại hình kinh tế chia sẻ.

Trong đó, có việc chính quyền một số địa phương đã phản ứng tiêu cực với Uber, Grab và sự phản ứng đó chưa dựa trên sự đánh giá đầy đủ, thấu đáo về lợi ích cho xã hội, người tiêu dùng và tổng thể nền kinh tế.

Kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ đòi hỏi suy nghĩ mới, cách thức khai thác, sử dụng nguồn lực mới để tận dụng tối đa các lợi thế. Trong khi đó, Việt Nam đang quản lý rất cơ học dựa trên các điều kiện về số lượng, phương thức, cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh. Đây là rào cản rất lớn cần sửa đổi, loại bỏ để các đối tượng được tự do sáng tạo, thử nghiệm các mô hình, phương thức kinh doanh mới.

“Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế chia sẻ phát triển được tại Việt Nam”, ông Đặng Quang Vinh lưu ý.

Nhìn nhận góc độ khác, ông Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về chuẩn bị điều kiện cho thực hiện cách mạng 4.0; trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là kết nối chia sẻ thông tin. Nếu chính quyền các cấp không có sự nghiên cứu, lựa chọn kỹ, thận trọng sẽ không thực hiện tốt chủ trương này và gây tác động xấu đến nền kinh tế về mặt việc làm, phúc lợi người tiêu dùng.

“Uber/Grab chính là phép thử đối với định hướng thúc đẩy khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống và trong hoạt động kinh tế. Hay có thể nói là phép thử đối với hoạt động chính sách của Chính phủ trong khi đang thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Phạm Thế Anh chia sẻ.

Ông Phạm Thế Anh cũng khẳng định: "Nếu từ chối Uber/Grab hay thiết lập các rào cản đối với loại hình công nghệ này thì sẽ phát đi thông điệp là chúng ta nói thúc đẩy khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế lại không như vậy. Điều này không chỉ tác động riêng ngành vận tải mà còn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế khác"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục