Kinh tế Eurozone có dấu hiệu phục hồi

06:09' - 01/08/2023
BNEWS Nền kinh tế khu vực Eurozone gồm 20 quốc gia, đã tăng trưởng 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023 sau khi ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 trong ba tháng đầu năm nay.
Theo những số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã phục hồi trong quý II/2023, nhưng giới quan sát vẫn còn nhiều quan ngại về tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng và tình trạng đình trệ của nền kinh tế Đức.

 
Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, nền kinh tế khu vực Eurozone gồm 20 quốc gia, đã tăng trưởng 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023 sau khi ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 trong ba tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, đà tăng giá cả đã giảm nhẹ, từ 5,5% trong tháng 6/2023 xuống còn 5,3% trong tháng 7/2023. Lạm phát lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, giữ nguyên ở mức 5,5%.

Các dữ liệu của tuần trước cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đình trệ trong quý II/2023, giữa lúc sức tăng của nền kinh tế Pháp và Tây Ban Nha cao hơn dự kiến.

Bert Colijn, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ING, cho biết, tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế của chính sách thắt chặt tiền tệ có thể có độ trễ và hoạt động kinh tế tiếp tục đình trệ trên diện rộng vẫn có thể xảy ra trong các quý tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2001 để kiềm chế lạm phát “nóng”, mặc dù Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước cho biết chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ có thể bị tạm dừng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng một đợt tăng lãi suất khác vẫn có thể xảy ra và có khả năng hạn chế hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Trong số 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Bỉ có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 1,6% trong tháng 7/2023, trong khi lạm phát tại Đức vẫn ở mức cao 6,5% trong tháng 7/2023, mặc dù có giảm nhẹ so với mức 6,8% trong tháng 6/2023, Eurostat cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục