Kinh tế Hàn Quốc và những thách thức phải đối mặt

08:45' - 16/12/2022
BNEWS Hàn Quốc đã tận dụng tốt lợi thế của quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho đến đầu năm 2022 song nhìn chung năm 2022 là một thách thức đối với quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu này.

Chính phủ Hàn Quốc ở thời điểm đầu năm đã đưa ra một triển vọng kinh tế khá tươi sáng với mức tăng trưởng dự kiến 3,1% cho nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á với các yếu tố tích cực như bình thường hóa các quy tắc sau đại dịch, giao thương được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng gia tăng.

Tuy nhiên, các yếu tố không thuận lợi mà Hàn Quốc phải đối mặt sau đó như lạm phát tăng cao do xung đột tại Ukraine bùng phát và kéo dài dẫn đến các động thái thắt chặt tiền tệ của nhiều cường quốc, xuất khẩu chậm lại đã khiến Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương (BOK) đã hạ mức dự đoán tăng trưởng của năm nay xuống quanh mức 2,6%.

 

Vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh và đứng ở mức  0,7% do chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nền kinh tế số hàng đầu châu Á đã nhanh chóng mở rộng và đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm tiếp theo. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm nhờ tiêu dùng phục hồi.

Mặc dù kinh tế Hàn Quốc vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2022 song tốc độ tăng trưởng yếu hơn dự kiến do Hàn Quốc cùng lúc phải đối phó với "ba cơn địa chấn” cùng lúc là: lạm phát cao, lãi suất cao và tỷ giá hối đoái với đồng USD cao.

Giá tiêu dùng, thước đo lạm phát chính trong quý III đã tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021 và trong tháng 7, giá cả tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 6,3%, mức tăng cao nhất trong gần 24 năm. Nếu tính bình quân, lạm phát ở Hàn Quốc đã liên tục cao hơn mức 2% trong trong 20 tháng liên tiếp. BOK đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát trung hạn ở mức 2%.

Nguyên nhân lạm phát được chỉ ra là chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt sau xung đột tại Ukraine "giáng một đòn nặng nề" vào nền kinh tế của Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc chính vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Giá điện, nước và khí đốt tăng trong quý 3/2022 đã tăng tới 15,3% so với cùng kỳ nằm trước và đến thời điểm tháng 11, con số này tăng vọt lên 23,1%. Tình trạng lạm phát tăng mạnh không phải chỉ có ở Hàn Quốc. Các nền kinh tế lớn cũng đang phải đối phó với tình trạng này. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ ở thời điểm tháng 6, bước tăng vọt đáng kể nhất trong hơn 40 năm kể từ mức tăng 9,6% vào tháng 11 năm 1981.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng lạm phát cao tất yếu dẫn đến việc tăng lãi suất trong và ngoài nước. Do đó, đồng won của Hàn Quốc đã mất giá hơn 17% so với đồng USD vào cuối tháng 9 với tỷ giá trao đổi có thời điểm ở mức 1.439,9 won/USD. Tuy nhiên, với các biện pháp nhanh chóng của chính phủ, đồng won đã lấy lại đà tăng giá sau đó và vào ngày 13/12, tỷ giá trao đổi thời điểm đóng cửa ở mức 1.306 won USD chỉ còn giảm 8,7% so với thời điểm đầu năm.

Thông thường, các nhà xuất khẩu như Hàn Quốc có thể tận dụng lợi thế của đồng USD cao do nhận thanh toán bằng USD. Tuy nhiên, trong năm 2022 tình hình đã đổi khác do chi phí sản xuất cũng tăng lên đáng kể khi chi phí nhập khẩu tăng và người tiêu dùng toàn cầu giảm quy mô tiêu dùng trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế. Theo đó, Hàn Quốc đã rơi vào thâm hụt thương mại tháng thứ 8 liên tiếp tính đến tháng 11. Xuất khẩu cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11 chủ yếu do nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn giảm.

Trong bối cảnh lạm phát và sức ép tỷ giá với USD vẫn đè nặng lên nền kinh tế Hàn Quốc, có một điều đáng mừng nền kinh tế Hàn Quốc đã tránh được sự suy giảm nhờ vào thị trường việc làm lành mạnh và tiêu dùng cá nhân. Hàn Quốc đã tạo thêm việc làm trong tháng thứ 21 liên tiếp tính đến tháng 11.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm tiếp tục chậm lại trong tháng thứ sáu liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế. Bất chấp lạm phát và những lo ngại về suy thoái kinh tế, tăng trưởng việc làm vẫn gia tăng trong các lĩnh vực mới sau đại dịch COVID-19, bao gồm các lĩnh vực kinh tế không tiếp xúc và kỹ thuật số.

Kim Ji-yeon nói  - nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra một cú sốc đáng kể đối với các ngành tiếp xúc trực tiếp, nhưng nó cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của đất nước sang nền kinh tế không tiếp xúc và các ngành công nghiệp thứ tư, tạo ra các công việc liên quan mới.

Tiêu dùng cá nhân cũng tăng 5,9% so với cùng kỳ trong quý III nhờ tăng chi tiêu cho các dịch vụ như chỗ ở và nhà hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại rằng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng việc làm có thể giảm dần do chi phí đi vay đang ngày càng cao hơn.

Để đối phó với động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu, BOK đã tăng lãi suất tổng cộng 2,75 điểm phần trăm kể từ tháng 8 năm 2021, đưa lãi suất cơ bản của Hàn Quốc lên mức 3,25%.

Kim Young-ick, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Sogang cho biết chi phí vay cao đang tác động đến nhiều mặt kinh tế và hiện tại giá bất động sản giảm là do chi phí vay cao hơn và thị trường chứng khoán suy yếu.

Hai yếu tố này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2023. Chuyên gia này nhận định phải mất khoảng 9 đến 12 tháng để chính sách thắt chặt tiền tệ chính thức có tác dụng. Nền kinh tế Hàn Quốc chỉ có thể hồi phục trong nửa cuối năm 2023 song không thể dự đoán về một sự phục hồi mạnh mẽ.

Các chuyên gia cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2023, KDI nhận định: “Nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, giá nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng mạnh thì các yếu tố đó sẽ gây thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu và làm giảm tốc độ tăng trưởng. Nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, hoặc nếu nền kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng ở mức đáng kể, thì tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ tăng trưởng chậm lại"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục