Kinh tế Internet của Đông Nam Á duy trì tăng trưởng trong thời COVID-19

09:45' - 23/11/2020
BNEWS Nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 105 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm nay, tương tự như con số ghi nhận trong năm 2019. 

Báo cáo chung của Temasek, Google và Bain & Company vừa công bố cho thấy mặc dù có thêm 40 triệu người dùng mới và sự gia tăng mức độ sử dụng lưu lượng trực tuyến, nhưng nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 105 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong năm nay, tương tự như con số ghi nhận trong năm 2019. 

Tuy có sự gia tăng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, tiêu dùng giải trí trực tuyến và dịch vụ giao đồ ăn, nhưng sự sụt giảm trong các lĩnh vực khác như dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch trực tuyến đã dẫn đến sự tăng trưởng nền kinh tế Internet không khác nhiều so với năm 2019.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên mà báo cáo thường niên về Kinh tế Điện tử Đông Nam Á đưa ra ước tính mức tăng trưởng hàng năm của kinh tế Internet không vượt xa so với ước tính của những năm trước. Đây là báo cáo thứ năm về Kinh tế Điện tử Đông Nam Á.

Theo báo cáo này, Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có GMV suy giảm trong năm nay, với mức giảm 24% xuống còn 9 tỷ USD.

Trong khi đó, các nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam và Indonesia đã đạt mức tăng trưởng hai con số, lần lượt là 16% và 11%, bất chấp những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Theo ông Aadarsh Baijal, người đứng đầu bộ phận thực hành kỹ thuật số ở Đông Nam Á của Bain & Company, sự tập trung vào du lịch trực tuyến của nền kinh tế Internet Singapore chủ yếu là do đây là lĩnh vực phát triển đầy đủ nhất.

Mặc dù có dự báo về một sự phục hồi ban đầu chậm chạp cho ngành du lịch trực tuyến nhưng báo cáo này cho rằng sự suy giảm lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số của Singapore có thể chỉ là trong "ngắn hạn". Về lâu dài, các ngành này được kỳ vọng sẽ phục hồi và trở lại mức bình thường.

Cũng theo báo cáo, du lịch trực tuyến dự kiến sẽ có sự phục hồi mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng tổng hợp hàng năm (CAGR) là 33%, đạt 60 tỷ USD vào năm 2025, trong khi lĩnh vực giao thông và thực phẩm dự kiến sẽ tăng lên 42 tỷ USD.

Trong khi đó, thương mại điện tử có khả năng tăng lên 172 tỷ USD vào năm 2025 và truyền thông trực tuyến lên 35 tỷ USD. 

Dự kiến, nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore sẽ phục hồi với tốc độ CAGR là 19% và đạt 22 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia dự kiến đạt 124 tỷ USD và Việt Nam sẽ ở mức 52 tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển vượt bậc cùng với sự gia tăng ứng dụng trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các cơ hội sẵn có, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới và chớm nở như kỹ thuật công nghệ tài chính (fintech), kỹ thuật công nghệ y tế (healthtech) và kỹ thuật công nghệ giáo dục (edtech).

Giá trị giao dịch trong lĩnh vực fintech đã tăng lên mức cao kỷ lục 1,7 tỷ USD vào năm 2019, tăng 40% so với năm 2018. Bản báo cáo cho biết sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư và hợp nhất trong lĩnh vực này trong những năm tới khi các nhà đầu tư tài chính và chiến lược tận dụng lĩnh vực dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ tổng thể cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực đang giảm dần. Giá trị giao dịch trên toàn khu vực đã từ mức cao nhất vào năm 2018 là 14,1 tỷ USD giảm 14,9% xuống còn khoảng 12 tỷ USD cho năm 2019. Nửa đầu năm 2020, giá trị giao dịch đã giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục