Kinh tế Israel trước nguy cơ lạm phát đình trệ

06:30' - 27/05/2022
BNEWS Sự phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ cao đang khiến Israel đối mặt với một loạt vấn đề và có thể dẫn tới tình trạng lạm phát đi kèm suy thoái (còn gọi là lạm phát đình trệ).

Tính toán ban đầu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo năm của Israel trong quý I/2022 đã giảm 1,6%. Theo tờ Globes, sự phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ cao đang khiến nền kinh tế nước này đối mặt với một loạt vấn đề và có thể dẫn tới tình trạng lạm phát đi kèm suy thoái (còn gọi là lạm phát đình trệ).

Phát biểu tại Hội thảo Năng lượng Môi trường Quốc gia mới đây, Bộ trưởng Tài chính Avigdor Liberman cảnh báo: "Trong số các số liệu kinh tế, điều khiến tôi lo lắng nhất là xuất khẩu của lĩnh vực công nghệ bị suy giảm do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Phố Wall. Nhìn từ góc độ lạm phát, chúng ta là một phần của kinh tế toàn cầu. Và hai nền kinh tế quan trọng nhất là Mỹ và Đức đang đối mặt với lạm phát cao, giá nhà cũng tăng lên nhanh chóng".

Ông Liberman lo ngại lĩnh vực công nghệ yếu kém sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ thuế. Xuất khẩu dịch vụ tính theo năm trong quý I/2022 của Israel đã giảm 17% (mặc dù quý trước đó sau khi điều chỉnh đã tăng tới 35%). Năm ngoái, phân tích của Bộ Tài chính cho thấy chỉ số chứng khoán công nghệ Mỹ Nasdaq 100 cứ tăng 100 điểm thì kinh tế Israel sẽ có thêm 12 tỷ USD.

Mối liên quan mật thiết của khu vực công nghệ Israel với thị trường Mỹ khiến ông Liberman lo lắng. So với mức đỉnh của năm ngoái, chỉ số Nasdaq 100 đã giảm 25% khi kết thúc phiên giao dịch tuần trước. Không ngẫu nhiên mà Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) trong 6 tháng qua đã nhiều lần cảnh báo chính phủ nước này không nên tiếp tục dựa vào lĩnh vực công nghệ để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Số liệu GDP của quý đầu tiên trong năm gây ngạc nhiên cho giới phân tích. Trước đó, hầu hết đều dự đoán con số này sẽ tăng trưởng dương. Ngoài ra, một vài số liệu yếu kém khác cũng đe dọa sức khỏe của nền kinh tế về lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay. Lạm phát tăng trong một nền kinh tế trì trệ, hay còn được gọi là lạm phát kèm suy thoái, là một tình huống đáng sợ.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Ronen Menachem tại ngân hàng Mizrahi Tefahot cho rằng số liệu u ám do Cục Thống kê Trung ương đưa ra tuần qua không phản ánh sự đi xuống của khu vực công nghệ cao.

Ông nói: "Mặc dù số liệu về GDP thu hút sự quan tâm của mọi người, nhưng theo các số liệu về thương mại công bố cách đây vài ngày, xuất khẩu công nghệ của Israel trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2022 đã tăng 12% tính theo năm, sau khi tăng 21% trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. Do khu vực công nghệ cao chiếm gần 40% tổng xuất khẩu công nghiệp (trừ kim cương), con số này cho thấy khu vực này tiếp tục hỗ trợ và củng cố nền kinh tế".

Tuy nhiên, ông Menachem nói thêm: "Khu vực công nghệ cao suy yếu sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Israel, do đây là khu vực quan trọng đối với GDP và thị trường việc làm. Rất nhiều ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ liên quan sống được nhờ ngành công nghệ cao".

Mặc dù GDP tính theo năm của Israel giảm 1,6% trong quý I/2022, nhưng so với quý I/2021, con số này lại tăng đến 9%, đưa Israel trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó, nếu so với quý IV/2021, Israel nằm trong số các nền kinh tế kém nhất của khối, cùng với Na Uy và Thụy Điển.

Số liệu lạm phát trong tháng Tư đã vượt giới hạn đề ra, cho thấy khả năng BOI sẽ sớm tăng lãi suất. Nhưng số liệu về GDP và nguy cơ nền kinh tế trì trệ sẽ khiến việc tăng lãi suất diễn ra từ từ. Nhà kinh tế trưởng tại Leader Capital Market Yonatan Katz cho rằng bối cảnh mới sẽ khiến "các thành viên của Hội đồng Tiền tệ BOI thận trọng hơn về liều lượng tăng lãi suất".

Cho đến nay, kinh tế Israel vẫn chưa rơi vào suy thoái, tình trạng được xác định khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Ngoài ra, thị trường việc làm vẫn chưa có dấu hiệu xấu đi, với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhiều khả năng nền kinh tế này đang chững lại sau các đợt tăng trưởng rất mạnh trước đó. Tuy nhiên, mức giảm 1,6% của GDP theo năm trong quý I cũng bộc lộ những điểm yếu nhất định của nền kinh tế mà BOI sẽ phải lưu tâm khi đưa ra quyết định về lãi suất vào tuần tới.   

Vấn đề đang gây lo ngại nhiều nhất đến từ tiêu dùng tư nhân vốn đang chững lại. Làn sóng du lịch ra nước ngoài và mua sắm khiến nhập khẩu trong quý I tăng tới 17%, tác động xấu tới tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, sự suy giảm về nhu cầu ô tô cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

GDP trong quý I nếu không tính thuế nhập khẩu, trong đó nhập khẩu ô tô chiếm một phần lớn, sẽ giảm tới 3%, thay vì 1,6% như công bố. Hơn nữa, nền kinh tế cũng đang mất dần hiệu ứng tích cực từ thu nhập cá nhân tăng nhanh.

Cho đến nay, sự giàu lên của người dân, từng khiến giá nhà tăng mạnh và các thị trường đầu tư tài chính hưởng lợi, đã bắt đầu chững lại, khiến thị trường chứng khoán sụt giảm kể từ đầu năm nay.

Khu vực công nghệ năm ngoái đã tạo ra một tầng lớp có thu nhập tăng vọt, đóng góp khoảng 10% mức tăng của tiêu dùng cá nhân. Mặc dù khu vực công nghệ cao sẽ tiếp tục là một động lực thúc đẩy nền kinh tế, nhưng một kịch bản sa sút cũng có thể khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô và hạn chế tăng lương cho người lao động.

Có thể nói, kinh tế Israel đang phải "trả giá" cho đợt tăng trưởng mạnh mẽ của năm ngoái. Bị hạn chế đi du lịch nước ngoài do dịch bệnh, người lao động hưởng lợi từ sự bùng nổ của các doanh nghiệp công nghệ cao đã tăng cường sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Bối cảnh kinh tế giờ đây đã thay đổi. Các nhà đầu tư nước ngoài trở nên dè dặt hơn khi bỏ vốn vào các công ty khởi nghiệp. Sự phụ thuộc vào lĩnh vực công nghệ cao khiến kinh tế Israel đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là khi lãi suất chuẩn bị tăng và nguồn vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị giảm./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục