Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng ASEAN bớt yêu thích đồ ăn nhanh

10:00' - 31/01/2016
BNEWS Các khảo sát gần đây cho thấy sự ham thích đồ ăn nhanh tại khu vực ASEAN giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm lại, còn người tiêu dùng chuyển hướng “thắt lưng buộc bụng”.
Kinh tế đi xuống, giới trẻ ASEAN ít ăn đồ ăn nhanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Người tiêu dùng các nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vốn rất yêu thích gà rán, bánh kẹp thịt và khoai tây chiên.

Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh nhượng quyền xuất hiện ở tất cả các trung tâm mua sắm, thậm chí nhiều cửa hàng mở cửa 24 giờ mỗi ngày. Tuy vậy, các khảo sát gần đây cho thấy sự ham thích đồ ăn nhanh tại khu vực này giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm lại, còn người tiêu dùng chuyển hướng “thắt lưng buộc bụng”.

Theo khảo sát mới nhất của FT Confidential Research, bộ phận nghiên cứu thuộc tờ thời báo tài chính "the Financial Times" của Anh, người tiêu dùng Malaysia và Thái Lan ngày càng có chiều hướng giảm mua đồ ăn nhanh. Người dân Malaysia đặc biệt tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế nước này.

Khảo sát của FT Confidential Research được tiến hành dựa trên việc thăm dò xu hướng tiêu dùng của khoảng 3.000 khách hàng tại 5 quốc gia ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, trong hai năm qua.

Khảo sát cho hay hồi tháng 10/2015, khoảng 51% số người tiêu dùng Malaysia được hỏi cho biết họ đến cửa hàng McDonald’s trong sáu tháng qua, thấp hơn tỷ lệ 52,3% hồi tháng 4/2015 và mức 57,8% khi FT Confidential Research bắt đầu tiến hành khảo sát này cách đây hai năm.

Trong khi đó, chỉ có 17% số người tiêu dùng Philippines được hỏi cho hay họ thường xuyên đến các cửa hàng KFC, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 30% cách đây hai năm. Tuy nhiên, người Philippines có vẻ chuộng đồ ăn nhanh của Jollibee (Philippines) và McDonald’s hơn, bởi tỷ lệ người tiêu dùng đến với các cửa hàng của hai thương hiệu này vẫn duy trì được tỷ lệ 54% và 42% trong hai năm qua.

Hai thương hiệu đồ ăn nhanh phổ biến nhất tại các thị trường ASEAN là KFC và McDonald’s hiện chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng người tiêu dùng giảm bớt lượng tiêu thụ đồ ăn nhanh.

Nhìn chung, nhu cầu đồ ăn nhanh ở Malaysia, Philippines và Thái Lan đang bão hòa và các thương hiệu đồ ăn nhanh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới, một trong số này là thị trường Việt Nam. FT Confidential Research đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, bởi tỷ lệ người tiêu thụ đồ ăn nhanh vẫn ở mức thấp trong số 5 nền kinh tế ASEAN nói trên.

McDonald’s cho hay Việt Nam là thị trường mới cho đồ ăn nhanh của hãng này trong bối cảnh tất lớp trung lưu ở Việt Nam khá trẻ và đang gia tăng. McDonald’s năm 2015 mới có 5 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, song họ kỳ vọng trong vòng một thập niên tới sẽ mở thêm 100 cửa hàng để cạnh tranh về thị phần với các đối thủ như KFC, Jollibee và Lotteria (Hàn Quốc).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục