Kinh tế Mỹ đứng trước tình thế đáng quan ngại do bất đồng về nợ công

15:46' - 05/10/2021
BNEWS Chính phủ Mỹ khó có thể tránh được một vụ vỡ nợ gây tê liệt nền kinh tế nếu các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục tranh luận về nâng mức trần nợ công.

Ngày 4/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "phàn nàn" các nghị sĩ đảng Cộng hòa vì từ chối tham gia cùng đảng Dân chủ trong việc nâng mức trần nợ công của Mỹ, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình thế đáng quan ngại.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cản trở của phe Cộng hòa có thể đẩy nền kinh tế vào tình thế đáng quan ngại. Chính phủ Mỹ khó có thể tránh được một vụ vỡ nợ gây tê liệt nền kinh tế nếu các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục tranh luận về nâng mức trần nợ công.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể cạn ngân sách vào ngày 18/10 tới nếu quốc hội nước này không nâng mức trần nợ công.

Trong các thập kỷ qua, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần nâng mức trần nợ công để tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ bị vỡ nợ. Tuy nhiên, trong năm nay, các thành viên đảng Cộng hòa tại hai viện quốc hội đã từ chối bỏ phiếu về vấn đề này, thậm chí tuyên bố ngăn cản các thành viên đảng Dân chủ tiến hành bỏ phiếu ủng hộ này.

Thay vào đó, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang tìm cách ép các nghị sĩ đảng Dân chủ sử dụng một phương cách phức tạp gọi là thỏa hiệp để chịu trách nhiệm duy nhất về nâng trần nợ công, song phe Dân chủ hiện vẫn bác bỏ đề xuất này.

Trong khi đó, ngày 4/10, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer, cho biết việc nâng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào cuối tuần này nhằm đảm bảo Chính phủ Mỹ kịp thực hiện các trách nhiệm của nước này.

Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh luận trong Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính phủ nước này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời kêu gọi phải có nguyên tắc tài chính.

Nguy cơ chính phủ phải ngừng hoạt động đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Tổng thống Biden đang thúc đẩy hai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD và 3.500 tỷ USD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Chính phủ Mỹ từng phải đóng cửa 35 ngày cho tới cuối tháng 1/2019 - lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Lần này, dưới thời Tổng thống Biden, Chính phủ Mỹ đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ./.

>>Fitch cảnh báo xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ đối mặt nhiều rủi ro

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục