Kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu trái chiều

19:25' - 02/11/2016
BNEWS Trong khi hoạt động chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng trong tháng Chín có xu hướng chậm lại, thì hoạt động chế tạo lại đi lên trong tháng Mười vừa qua, ghi dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp.

Mở đầu tháng 11/2016, kinh tế Mỹ đã phát đi những tín hiệu trái chiều. 

Kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu trái chiều. Ảnh: Reuters

Báo cáo ngày 1/11 của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng của Mỹ trong tháng 9/2016 giảm 0,4% so với tháng Tám và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong chín tháng kể từ đầu năm nay, chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng của Mỹ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, chi tiêu xây dựng trong tháng Chín chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong khu vực công (giảm 0,9% so với tháng Tám). Trong khi đó, mức chi tiêu cho lĩnh vực này ở khu vực tư nhân chỉ giảm 0,2% so với tháng trước đó.

Trái ngược với báo cáo ảm đạm trên, Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho hay hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng Mười tăng trưởng tích cực tháng thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh 10 trong số 18 ngành công nghiệp chế tạo đều báo cáo tăng trưởng.

Cụ thể, ISM công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong tháng Mười vừa qua tăng 0,4 điểm phần trăm lên 51,9%. 10 ngành chế tạo (trong đó có nội thất, máy tính, sản phẩm điện tử...) đã chứng kiến đà tăng trưởng trong tháng 10/2016.

Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ giảm trong tháng Mười vừa qua, tháng giảm thứ hai liên tiếp. Hoạt động chế tạo của Mỹ vẫn đang chật vật phục hồi sau khi chịu tác động tiêu cực từ xu hướng tăng giá của đồng USD trong thời gian từ tháng 6/2014 tới tháng 12/2015, khiến lĩnh vực xuất khẩu chịu tổn thương.

Ngoài ra, hoạt động khai thác dầu mỏ suy giảm do giá dầu "lao dốc" mạnh cũng khiến ngành chế tạo của Mỹ gặp khó khăn. Các doanh nghiệp Mỹ đã giảm chi tiêu vào việc mua sắm thiết bị máy móc trong bốn quý liên tiếp vừa qua.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III/2016 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong hai năm qua, và cao hơn hai lần so với mức tăng 1,4% của quý II/2016, với sự "hậu thuẫn" từ hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chờ đến tháng 12, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11, để nâng lãi suất. Sau khi tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong gần một thập niên hồi tháng 12/2015, Fed chưa điều chỉnh lãi suất thêm lần nào cho đến nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục