Kinh tế Pháp: Niềm vui tăng trưởng song hành với nỗi lo lạm phát

06:30' - 04/08/2022
BNEWS Bất chấp những nguy cơ ngày càng gia tăng, Pháp đã tăng trưởng trở lại trong quý II/2022 với tốc độ thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều so với mong đợi.

Bất chấp những nguy cơ ngày càng gia tăng như lạm phát ở mức chưa từng có, khủng hoảng năng lượng, thâm hụt ngân sách, thiếu nguồn cung..., Pháp đã tăng trưởng trở lại trong quý II/2022 với tốc độ thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều so với mong đợi.

Cơ quan Thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE) liên tiếp công bố những con số đáng mừng như tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,8%, ngoại thương đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, đầu tư kinh doanh tiếp tục tăng 0,5%...

Đặc biệt GDP quý II của nước này đã tăng 0,5%, nhanh gấp đôi so với dự kiến của các chuyên gia kinh tế, góp phần xua tan đi nỗi lo về nguy cơ suy thoái đang âm ỉ, sau khi sụt giảm 0,2% vào đầu năm. Sự trở lại của khách du lịch nước ngoài đã khuyến khích sự phục hồi này, bù đắp cho tiêu dùng hộ gia đình sụt giảm vì lạm phát phi mã.

Theo INSEE, trong bối cảnh môi trường hỗn loạn bởi chiến tranh, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, việc các hoạt động kinh tế của Pháp trong quý II/2022 vẫn tăng 0,5% so với quý trước đã mang lại niềm vui và sự phấn chấn cho chính phủ mới của Thủ tướng Élisabeth Borne.

Lượng du khách nước ngoài tăng, kéo theo sự năng động của các dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận tải góp một phần lớn vào tăng trưởng GDP. Sau hai năm bị hạn chế do COVID-19, du khách quốc tế đã thực sự quay trở lại Pháp. Chi tiêu của khách du lịch nước ngoài đã tăng 8,6% trong quý này, vượt hơn hẳn so với 5% hồi đầu năm, và “đất nước hình lục lăng” này còn tiếp tục được hưởng lợi từ các du khách đến vào mùa Thu.

Năm 2022, INSEE dự báo kinh tế Pháp sẽ có thể đạt tăng trưởng 2,5%, tương tự với dự báo của chính phủ và tốt hơn một chút so với mức dự báo tăng trưởng 2,3% mà Ngân hàng trung ương Pháp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra.

“Tránh được vỏ dưa, vẫn gặp vỏ dừa”

Những tín hiệu tốt cho thấy nước Pháp đã thoát ra khỏi cơn sốc khủng hoảng y tế. Tăng trưởng giúp người Pháp giảm nỗi lo về nguy cơ suy thoái, nhưng lạm phát leo thang với giá cả phi mã lại là một tín hiệu buồn. Với lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm trở lại đây, ngân sách Pháp đang bị căng thẳng nghiêm trọng bất chấp các biện pháp hỗ trợ.

Vào tháng 7/2022, lạm phát đã lên đến 6,1% - mức cao nhất kể từ năm 1985. Lạm phát được thúc đẩy bởi sự gia tăng giá dịch vụ (+3,9%) cũng như thực phẩm (+ 6,7%) trong hơn một năm. INSEE ước tính vào mùa Thu tới, lạm phát tiếp tục vượt đỉnh và sẽ lên gần 7%.

Việc đóng băng giá năng lượng công cộng cũng góp phần làm giảm lạm phát của Pháp khoảng 2 điểm phần trăm, so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 8%. Nhưng biện pháp này không thể tồn tại mãi mãi.

Chính phủ dự kiến giữ lạm phát ở mức trung bình 5% trong năm nay và sẽ giảm xuống 3,2% vào năm tới. Tuy nhiên, các dự báo lạc quan này phần lớn còn phải phụ thuộc vào diễn biến địa chính trị trong khu vực và cả trên thế giới.

Trụ cột truyền thống của tăng trưởng là tiêu dùng hiện đang đối mặt với một viễn cảnh có phần kém khả quan. Trong khi lạm phát đang duy trì ở mức lịch sử, tiêu dùng đã giảm 0,2% trong quý này.

Trong bối cảnh hàng chục tỷ euro được Nhà nước rót ra trong sáu tháng qua để duy trì sức mua, mùa Thu năm nay có vẻ đáng lo ngại. Đối với Gilles Moëc, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn quản lý tài sản AXA, "thực tế là tiêu dùng vẫn giảm, mặc dù một số chính sách hỗ trợ hào phóng sắp được triển khai”. Các biện pháp kích thích tài khóa sẽ phải bù đắp thu nhập thực tế và sự mất niềm tin của người tiêu dùng trong một môi trường khó khăn.

Chantana Sam, chuyên gia kinh tế của HSBC, cho biết: "Niềm tin vào nền kinh tế đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, nhưng sự suy giảm này xuất hiện rõ rệt hơn ở người tiêu dùng so với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, chỉ số niềm tin hộ gia đình INSEE trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013".

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn hy vọng tiêu dùng của các hộ gia đình có thể được thúc đẩy trong những tháng tới nhờ các chính sách và biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ sức mua như đánh giá lại mức trợ cấp xã hội tối thiểu, lương hưu, giảm giá tại các trạm bơm xăng dầu... Thêm vào đó, mùa du lịch tháng 7-8/2022 cũng hứa hẹn đẩy sức mua tăng cao kỷ lục trong mùa Hè này.

“Mây đen” sẽ tích tụ vào cuối năm

Mặc dù kết quả tăng trưởng tốt trong quý II/2022 và tín hiệu khả quan trong quý III, Bộ Kinh tế Pháp vẫn không giấu được nỗi lo về một nguy cơ suy thoái vào cuối năm, nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga ngừng hoạt động. Các quan chức lo ngại về một bối cảnh “không chắc chắn” và nhiều rủi ro do nguy cơ thiếu khí đốt, sự ảm đạm của nền kinh tế Mỹ, giãn cách xã hội ở Trung Quốc…

Bên cạnh đó, kinh tế Pháp cũng sẽ phải đối mặt với sự gia tăng lãi suất và khủng hoảng tín dụng. Rõ ràng, người đi vay đang có xu hướng thận trọng hơn và các ngân hàng cũng cẩn trọng hơn khi cho vay... Đầu tư của các hộ gia đình (vào bất động sản) và của các công ty, do đó có thể chậm lại, ngay cả khi điều này không xảy ra trong thời điểm hiện tại.

Bà Ana Boata, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Allianz Trade, cho rằng: "Càng về cuối năm, tăng trưởng kinh tế Pháp sẽ càng chậm lại do tác động của tình hình quốc tế xấu đi". Và một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi vào năm tới trong trường hợp nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt giảm.

Thậm chí ngay cả khi không tính đến viễn cảnh đen tối này, IMF và Cơ quan giám sát tình hình quốc tế của Pháp (OFCE) chỉ kỳ vọng vào mức tăng 1% GDP ở Pháp vào năm 2023. Bộ Kinh tế nước này thì lạc quan hơn khi đặt mục tiêu 1,4%.

Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Oddo-BHF, cảnh báo: “Mỗi lần được cập nhật thì các dự báo tăng trưởng sẽ lại bị hạ thấp hơn một chút, và nguy cơ các hoạt động kinh tế sẽ trì trệ trong thời gian tới là rất cao, khiến mục tiêu tăng trưởng 1,4% trong năm 2023 khó đạt được"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục