Kinh tế Pháp trước "làn gió" cải cách mới

08:40' - 02/07/2017
BNEWS Tân Tổng thống Pháp đang ở thế mạnh để thúc đẩy hoài bão cải cách sâu rộng đất nước với ba dự án từ luật lao động, luật chống khủng bố cho đến đạo đức hóa đời sống chính trị.
Pháp lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2017. Ảnh minh hoạ; BBC

Với hai chiến thắng liên tục (trong bầu Tổng thống và Hạ viện) trong vòng 1 tháng, "chủ nhân" điện Elysée củng cố được uy tín và từ nay có thể sớm tiến hành các biện pháp cải cách được cho là để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng trì trệ.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn đối với vị Tổng thống trẻ tuổi này.

Kết quả kiểm phiếu vòng hai, vòng cuối cùng cuộc bầu cử Hạ viện Pháp công bố trưa 19/6 cho thấy đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành đa số phiếu áp đảo.

Theo đó, LREM và liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành được 351 ghế trên tổng số 577 ghế hạ viện. Chiến thắng trên đã cho thấy sự ủng hộ của đa số lớn nhất mà một tổng thống Pháp có được trong khoảng 60 năm qua, qua đó giúp vị tân Tổng thống thực thi các chương trình cải cách đầy tham vọng của mình, như những gì ông đã cam kết trong quá trình tranh cử.

Những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế

Trên lý thuyết, tân Tổng thống Pháp đang ở thế mạnh để thúc đẩy hoài bão cải cách sâu rộng đất nước với ba dự án từ luật lao động, luật chống khủng bố cho đến đạo đức hóa đời sống chính trị, cho dù gặp chỉ trích từ giới chính trị đối lập hay lo ngại từ một bộ phận công luận.

Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng thống Pháp Macron là rất nặng nề.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng trung ương Pháp nhận định nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng cao hơn mong đợi cho đến hết năm 2019, nhờ hoạt động thương mại quốc tế năng động hơn. Dự báo, nhịp độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ tăng từ mức ước vào khoảng 1,4% năm nay lên 1,6% cho hai năm 2018-2019.

Con số này cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 12/2016 rằng “đất nước hình lục lăng” sẽ tăng trưởng 1,3% cho năm nay, tăng 1,4% năm 2018 và 1,5% năm 2019.

Số liệu mới công bố gần đây của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (Insee) cho thấy trong quý I/2017, nền kinh tế Pháp đã tạo thêm 89.700 việc làm mới, tăng 0,4% so với quý IV/2016 và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong một năm, nền kinh tế Pháp đã tạo thêm 284.100 việc làm và đưa tổng số người có việc tại Pháp lên 24,93 triệu, trong đó 19,12 triệu người làm việc trong khu vực tư nhân (+1,4%) và 5,81 triệu người trong khu vực công (+0,5%).

Đây là quý thứ 10 liên tiếp nền kinh tế Pháp tạo ra nhiều việc làm mới và mức tăng này là cao nhất kể từ năm 2010.

Bên cạnh đó, lòng tin tiêu dùng tại Pháp ở mức cao nhất trong gần 10 năm giữa bối cảnh người dân lạc quan hơn về thu nhập sau khi tân Tổng thống Macron đưa ra chương trình cải cách. Chỉ số lòng tin tiêu dùng có thể dự báo hoạt động chi tiêu trong tương lai của người tiêu dùng - một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế.

Những đề xuất cải cách kinh tế

Chương trình kinh tế của Tổng thống Pháp đưa ra nhiều cải cách mà các cố vấn của ông cũng như nhiều chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng phù hợp để giải quyết gốc rễ những vấn đề trong nền kinh tế Pháp.

Trong số những chương tình cải cách được đề ra, tân Tổng thống Macron muốn coi cải cách Luật Lao động là một ưu tiên ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông.

Nước Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn các nước láng giềng, doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, trong khi cánh cửa gia nhập thị trường lao động lại quá hẹp đối với người thất nghiệp và những người nhập cư, do những quy định xã hội quá cứng nhắc.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron đã cam kết tiến hành cải cách bộ luật lao động bằng các sắc lệnh nhằm "cởi trói" cho thị trường lao động và coi đây là chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp.

Tổng thống Macron cam kết sửa đổi các quy định trong bộ luật lao động và giảm bớt sự chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp, theo đó các chủ lao động sẽ được phép thương lượng trực tiếp với các nhân viên về các điều kiện lao động.

Ngoài ra, Paris cũng cần giải quyết các bất đồng hiện tại giữa chính phủ và các nghiệp đoàn nước này, đặc biệt trong việc xác định trần đền bù việc sa thải trái luật và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động.

Ông Macron cũng hướng tới mục tiêu hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp từ mức 9,3% hiện nay xuống 7% vào năm 2022.

Để đạt được điều này, người đứng đầu nước Pháp cam kết thiết lập cơ chế đầu tư công trị giá 50 tỷ euro (55,89 tỷ USD) nhằm cải thiện đào tạo, tài trợ cho chuyển đổi năng lượng và hiện đại hóa các dịch vụ hành chính của Pháp - được dự đoán sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân.

Ngoài việc tiến hành cải cách bộ luật lao động, từ tháng Chín tới, Chính phủ Pháp sẽ hướng sang một vấn đề gai góc khác là cải cách hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ sẽ cần một khoảng thời gian để thảo luận, tham vấn trước khi công bố dự luật vào đầu năm 2018.

Song song với cải cách kể trên, chính phủ cũng sẽ xây dựng lại nền tảng cho quá trình đào tạo và học nghề. Cuối cùng, việc đổi mới hệ thống lương hưu sẽ được bắt đầu vào năm 2018, với mục đích làm cho hệ thống này trở nên "minh bạch và công bằng hơn".

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cân nhắc việc cắt giảm biên chế trong các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức, phân cấp quản lý và tạo sự dịch chuyển dễ dàng các vị trí trong bộ máy công quyền.

Để triển khai việc cắt giảm này, ông Macron đề xuất thực hiện chương trình đổi mới bộ máy Nhà nước, trong đó sẽ ưu tiên cho những công việc cọ xát với thực tế, phát huy các sáng kiến và khả năng sáng tạo của công chức

Một hướng cải cách khác được Tổng thống Macron đề xuất là áp dụng kỹ thuật số trong dịch vụ công, với mục tiêu 100% các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Internet vào năm 2022 (trừ việc cấp phát lần đầu các giấy tờ tùy thân chính thức).

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số cũng sẽ là câu trả lời cho sự ùn ứ hồ sơ tại các cơ quan pháp lý, cho phép "phi vật chất hóa" tất cả các thủ tục liên quan đến các vụ tranh chấp nhỏ (có số tiền tranh chấp dưới 4.000 euro) và việc phân bổ lại nhân viên để đảm nhiệm các hồ sơ quan trọng. Sự sắp xếp đó sẽ thúc đẩy công việc mà không cần tuyển dụng thêm.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron đã tuyên bố sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 33% hiện nay cuống còn 25%, đồng thời giảm thuế bất động sản cho phần lớn người dân Pháp.

Ông cũng cam kết cắt giảm chi tiêu công 60 tỷ euro vào năm 2022, giảm thâm hụt ngân sách và đàm phán lại cùng với Đức về việc đóng góp, chi tiêu ngân sách của Liên minh châu Âu (EU).

Chính sách cải cách kinh tế của ông Macron được đánh giá là hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có. Tuy nhiên, nếu vị tân Tổng thống không khiến nước Pháp cởi mở hơn hơn với EU cũng như quá trình toàn cầu hóa thì rất có thể ông Macron sẽ phải đối mặt với một đối thủ như bà Marine Le Pen sau 5 năm nữa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục