Kinh tế quý I: Giải ngân vốn đầu tư công lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

18:07' - 06/04/2025
BNEWS Tình hình đầu tư tại Việt Nam trong quý I cho thấy, những dấu hiệu tích cực rõ nét, đặc biệt là sự tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công đã được Chính phủ xác định là một trong các động lực quan trọng trong năm 2025 để thúc đẩy tổng cầu, là yếu tố dẫn dắt, lan tỏa thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, kích hoạt và thu hút các nguồn lực xã hội hướng đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn thách thức.

 

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2025, sáng 6/4, tại Hà Nội, theo Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính, Nguyễn Thị Hương, tình hình đầu tư tại Việt Nam trong quý I cho thấy, những dấu hiệu tích cực rõ nét, đặc biệt là sự tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn khu vực Nhà nước chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư, tăng 13,7%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 54,2%, tăng 5,5%; khu vực FDI chiếm 18,1%, tăng 9,3%.

Quý I so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%. Vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.

Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I là số dự án mới đăng ký rất cao, với 850 dự án được cấp phép, tăng 11,5%; tuy vậy, số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, giảm 31,5%. Vốn đăng ký bình quân một dự án FDI chỉ với 5 triệu USD cho thấy có nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, trong quý I cả nước có 401 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là kết quả rất tích cực cho thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tập trung triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương ngay từ các tháng đầu năm, các biện pháp chỉ đạo đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả, dòng vốn đầu tư công đã dần được khơi thông”, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay.

Nhận thức được tầm quan trọng của vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, chỉ thị tập trung vào việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo sự lan toả tới đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.

Cụ thể như: công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 về đôn đốc các Bộ ngành và địa phương đẩy nhanh phân bổ và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8/3/2025 về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2025…

Tuy nhiên, bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiêp và xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho rằng, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn những điểm nghẽn về cơ chế chính sách, các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước; vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương là các nguyên nhân dẫn tới thực tế đến hết quý I/2025 vẫn còn một lượng vốn đáng kể chưa được phân bổ chi tiết. Theo Bộ Tài chính, vốn giải ngân đến 31/3 đạt 78.712 tỷ đồng, tương đương 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với số cùng kỳ 12,27% của năm 2024.

Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm, thúc đẩy vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng đang phục hồi chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo đó, tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng, nếu giải ngân được 95% thì đạt 784,6 nghìn tỷ, khi đó GDP tăng thêm 1,07 điểm phần trăm. Nếu giải ngân hết 100% tổng số vốn, GDP tăng thêm 1,4 điểm phần trăm.

Để đạt mục tiêu thực hiện trên 95% kế hoạch vốn 2025, tại buổi họp báo sáng 6/4, Cục Thống kê, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần tâp thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: tập trung phân bổ xong kế hoạch vốn đầu tư công 2025 cho các dự án/công trình theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện ngay các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp.

“Việc triển khai thực hiện không đồng đều giữa các bộ ngành địa phương, đòi hỏi cần tiếp tục quyết liệt cải cách, nâng cao năng lực thực hiện, tập trung khắc phục giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đặc biệt là khó khăn về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chung của nguồn vốn này trong quý II/2025 và các tháng cuối năm”, bà Phí Hương Nga cho hay.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2025; quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện tốt ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; đồng thời, hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.

Cục Thống kê cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo, có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng. Ngoài ra, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công.

Mặt khác, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần lập kế hoạch thực hiện, giải ngân cho từng dự án, công trình, có biện pháp, kế hoạch cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tập trung hoàn thiện ngay các thủ tục để giải ngân khi có khi khối lượng hoàn thành, không để dồn giải ngân đến cuối năm…

“Cần nghiên cứu triển khai sử dụng công cụ số hóa, hệ thống dữ liệu theo thời gian thực, xây dựng công cụ giám sát thông minh để theo dõi, cảnh báo sớm các điểm nghẽn, khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời”, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay.

Về phía các địa phương, thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn các nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; đồng thời, xây dựng kế hoạch giải ngân đối với từng dự án; yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng, quý, tuân thủ kế hoạch hoạch giải ngân theo từng tháng, quý…

Tại Thông báo kết luận số 143/TB-VPCP ngày 1/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Hà Nội nghiêm túc coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của tổ chức có liên quan; chủ động rà soát, kịp thời điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ theo quy định, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục