Kinh tế tập thể cần cơ chế chính sách phù hợp nữa để phát triển

18:43' - 13/10/2019
BNEWS Mặc dù đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng kinh tế tập thể cần chính sách phù hợp hơn nữa để đáp ứng yêu cầu khắt khe của kinh tế thị trường.
Xã viên Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn tại Chương Mỹ (Hà Nội) đóng gói sản phẩm bằng lá chuối tươi để cung cấp cho hệ thống siêu thị BigC Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN 

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, để phát triển đúng với vị thế và tiềm năng, khu vực này cần cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để đáp ứng yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.

* Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (Nghị quyết 13), mặc dù, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nợ công cao, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã lại hoạt động khá ổn định.

Số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.

“Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là hợp tác xã nông nghiệp”, Thứ trưởng Thống cho biết.

Làm rõ hơn nhận định của Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, tăng 3.700 hợp tác xã (so với thời điểm Luật Hợp tác xã có hiệu lực 31/7/2013); thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được mở rộng, nhiều hợp tác xã có quy mô toàn xã, huyện.

“Cụ thể, trong 5 năm trở lại đây, từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 2003 chỉ có 969 hợp tác xã thành lập mới thì đến 2018 đã có 2.521 hợp tác xã thành lập mới.

Số hợp tác xã thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 57% trong tổng số hợp tác xã”, Cục Phát triển hợp tác xã cho biết.

Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2018 đạt 4.473 triệu đồng/hợp tác xã, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2003.

Lãi bình quân của hợp tác xã tăng từ 74 triệu đồng/hợp tác xã/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/hợp tác xã/năm 2018. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã được tăng từ 15,7 triệu đồng/năm lên 36,6 triệu đồng/năm 2018 (tăng 20,9 triệu đồng, khoảng 133%).

Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng. Trong năm 2018, có gần 1.200 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm; nhiều hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hợp tác xã Nhân Lý (Vĩnh Phúc) cho biết, từ khi Luật Hợp tác xã 2012 ra đời, các thành viên hợp tác xã thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế.

Nhìn từ hoạt động của các thành viên hoạt động trong hợp tác xã Nhân Lý, bà Hương cho hay, mô hình hợp tác xã kiểu mới đã tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

“Cụ thể, hợp tác xã là đầu mối để các thành viên gắn kết với doanh nghiệp, từ sự gắn kết đó, doanh nghiệp mua sản phẩm của bà con nông dân và ngược lại, bà con nông dân tập trung sản xuất sản phẩm theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp.”, bà Hương cho hay.

“Chính bởi vậy, các sản phẩm nông sản được sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, không sản xuất theo kiểu “nhà trồng được” mà làm ra những sản phẩm thị trường cần”,  bà Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo bà Hương, các sản phẩm nông sản của hợp tác xã Nhân Lý đều được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học, nhiều sản phẩm trở thành đặc sản vùng miền, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số hợp tác xã có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM)…

Thứ trưởng Võ Thành Thống chỉ rõ, việc có hàng trăm mô hình hợp tác xã ra đời và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên hợp tác xã thể  hiện tính ưu việt của Luật Hợp tác xã năm 2012 so với Luật hợp tác xã năm 2003. “Đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế tập thể, hợp tác xã đang phục hồi và phát triển đúng hướng”, Thứ trưởng nhận định.

* Chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Quy trình sản xuất chè của Hợp tác xã. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phát triển hợp tác xã, trong thời gian vừa qua, kinh tế hợp tác phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Một số hợp tác xã  thực hiện đăng ký lại hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật Hợp tác xã  năm 2012…

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với năm 2013, số lượng hợp tác xã tăng thêm 8.500 đơn vị, nhưng số thành viên lại giảm 358.000 người.

Trong đó, giai đoạn 2013-2018 (thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012) thành lập mới 11.200 hợp tác xã, giải thể 5.980 đơn vị. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước có xu hướng giảm xuống sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13 (trung bình khoảng 4%).

Nguyên nhân của những hạn chế, theo ông Nguyễn Văn Đoàn là do nhiều nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, đính hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho kinh tế tập thể phát triển. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời…

Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vẫn khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường…“Đặc biệt, tâm lý e ngại đối với hợp tác xã kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Đoàn chỉ rõ.

*Cần đổi mới để phát triển

Để sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay của khu vực kinh tế tập thể, ông Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, thời gian tới cần xây dựng và phát triển mô hình này mà nòng cốt là hợp tác xã bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc hợp tác xã.

Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Việt Nam đang ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, đi kèm với đó là nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Cùng với đó là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là phát triển kinh tế số.

“Đây là những cơ hội để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có thể mở rộng vai trò sang các lĩnh vực phi truyền thống một cách mạnh mẽ hơn như dịch vụ môi trường, du lịch, năng lượng tái tạo hay chăm sóc sức khỏe người già...”, ông Đoàn gợi ý.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện sản xuất còn manh mún, quy mô sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ, hộ nông dân khó có thể liên kết hiệu quả với doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng khó có thể kết nối với từng hộ nông dân, bởi vậy, hợp tác xã chính là mắt xích quan trọng kết nối giữa doanh nghiệp và nông hộ.

Và chỉ có liên kết mới tạo được chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ có quản trị theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ trưởng Võ Thành Thống chỉ rõ, hợp tác xã cần đóng vai trò tích cực, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế thành viên và các chủ thể khác.

Đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các hợp tác xã cần phải tự đổi mới và phát triển lớn mạnh để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.

“ Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã sẽ đưa phong trào hợp tác xã phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.”, Thứ trưởng Võ Thành Thống khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục