Kinh tế tập thể chuyển mình hội nhập

09:20' - 10/02/2016
BNEWS Những năm gần đây, hòa cùng không khí hội nhập của đất nước, thành phần kinh tế tập thể đã có nhiều sự chuyển biến rõ nét và phát huy được hiệu quả kinh tế-xã hội.

Trong dòng chảy đó, kinh tế tập thể Tp. Hồ Chí Minh đã và đang vươn lên phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đồng thời nỗ lực đổi mới sáng tạo, đa dạng hình thức sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố và hội nhập kinh tế quốc tế.

Kinh tế tập thể chuyển mình trước hội nhập. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay khối kinh tế tập thể mà cụ thể là các hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả hơn và ngày càng chú trọng đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh.

Theo nhận định của các Chủ nhiệm hợp tác xã, một trong những nguyên nhân tạo động lực cho các hợp tác xã tích cực chuyển mình và hòa nhập với sự phát triển kinh tế của đất nước là sự ra đời của Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/12/2012 và có hiệu lực từ 1/7/2013.

Ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước An cho biết, sản xuất khoảng 10 tấn rau mỗi ngày, để thích nghi với mô hình hợp tác xã kiểu mới, đơn vị này đang tích cực chuyển đổi hoạt động sang phương án đầu tư sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm phát sinh trong quá trình chế biến rau xanh.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Phước An đang triển khai thành lập đội ngũ thu gom rác phát sinh từ quá trình sơ chế rau. Với chiến lược sản xuất kinh doanh này, Hợp tác xã kỳ vọng sẽ nâng cao lợi nhuận; đồng thời đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các xã viên.

Tương tự, ông Đinh Nam Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải số 9 chia sẻ, dù trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đã đạt được những thành công, nhưng trước yêu cầu chuyển đổi phương thức hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, đơn vị đã vận động xã viên thành lập hai công ty.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới HTX 9 sẽ chỉ chuyên kinh doanh những sản phẩm phục vụ nội bộ.

Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh có hơn 3.000 tổ hợp tác và 563 hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, nhà ở dịch vụ trường học...

Hợp tác xã kiểu mới ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông nghiệp... Ảnh: lmhtx.hochiminhcity.gov.vn

Trong đó, lĩnh vực đạt được nhiều thành quả tích cực và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế tập thể là thương mại - dịch vụ.

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có khoảng 65% hợp tác xã, với quy mô vốn trung bình từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/hợp tác xã, hiệu quả kinh doanh tốt với doanh thu hàng năm đều tăng.

Hầu hết các hợp tác xã trong lĩnh vực này đã từng bước tiếp cận và phát triển phương thức bán hành văn minh, hiện đại, đảm bảo chất lượng hàng hóa và quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước thành phần kinh tế tập thể đã có những bước phát triển đáng khích lệ.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, thành phần kinh tế tập thể chỉ chiếm 1% GDP của thành phố, nhưng luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, với những cơ chế chính sách thiết thực và phù hợp, đã tạo "bệ phóng" và thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển.

Trước khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất lên đến 100 triệu đồng cho hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới trên địa bàn.

Đây là "cú hích" tạo đà cho các hợp tác xã trong lĩnh vực này đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố phối hợp với các sở, ngành và hệ thống ngân hàng hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn với thời gian 5 năm để các hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án trợ vốn thay mới 1.680 xe buýt mới cho các hợp tác xã thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, thành phố hỗ trợ vay 70%, còn lại cá nhân hợp tác xã đóng góp 30%. Với mức hỗ trợ trên, các hợp tác xã và xã viên trong lĩnh vực giao thông vận tải đã mạnh dạn đầu tư mới phương tiện cho hợp tác xã, nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (Quỹ CCM) được UBND Tp. Hồ Chí Minh thành lập từ năm 2002, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho thành phần kinh tế tập thể phát triển, đến nay đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

Tính hết năm 2015, Quỹ CCM đã triển khai trợ vốn cho hơn 272.850 thành viên là xã viên, người lao động thuộc thành phần kinh tế tập thể thuộc mọi lĩnh vực, với tổng giá trị hơn 4.150 tỷ đồng.

Theo Liên minh Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh, có hơn 97% hợp tác xã và đơn vị nhận trợ vốn đã đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm ăn hiệu quả hơn trước.

Đặc biệt, Quỹ CCM được hầu hết các hợp tác xã và những đơn vị thuộc thành phần kinh tế tập thể đều đánh giá nguồn vốn của Quỹ CCM là dễ tiếp cận, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế tập thể.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động trợ vốn của Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh qua từng năm và cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng bình quan của các Tổ chức tín dụng cả nước.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là hoạt động trợ vốn của Quỹ CCM đã mang lại hiệu quả xã hội vô cùng to lớn như góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, kết nối cung - cầu và khai thông nguồn vốn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục